ThienNhien.Net – Thực trạng ngành khai thác khoáng sản Việt Nam hiện nay đang rất bê bối với hàng loạt những bất cập từ chính sách đến thực tế triển khai. Điều này đặt ra nhu cầu vô cùng cấp bách về cải cách, trong đó việc tham gia Sáng kiến Minh bạch ngành công nghiệp khai thác (EITI) được đánh giá là một cơ hội lớn để Việt Nam xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, dù đã gần chục năm nay kể từ khi Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm xem xét thực thi sáng kiến này, đến nay lộ trình tham gia EITI của Việt Nam vẫn hết sức mờ mịt.
Đây là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh Khoáng sản và Trung tâm Phát triển & Hội nhập đồng tổ chức ngày 03/12/2015.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực cải cách, bao gồm cả cải cách về chính sách tài chính, trong khi khai thác khoáng sản được đánh giá là một trong những ngành có rủi ro thất thu ngân sách cao chủ yếu do khai thác, xuất khẩu trái phép và quản lý thuế không hiệu quả.
Chính sách, chiến lược, quản lý thực thi… đều bất cập
Trong bài trình bày đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thành Sơn, Công ty New Technology Solution khẳng định, tiêu chuẩn tính trữ lượng khoáng sản của Việt Nam hiện nay thấp hơn thế giới tới 10 lần. Nếu tính trữ lượng theo tiêu chuẩn thế giới, khoáng sản của Việt Nam vừa ít về trữ lượng vừa thiếu về chủng loại, chỉ như “hàng xén chợ quê”.
TS. Sơn cũng đồng thời chỉ ra một loạt các bất cập của ngành khai thác khoáng sản từ chính sách, chiến lược khai thác, tổ chức quản lý đến vấn đề giám sát, công nghệ… Theo đó, Việt Nam chưa có quy hoạch tổng thể thực chất về tài nguyên khoáng sản, dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, vơ vét một cách ồ ạt. Trong khi đó, công nghệ khai thác của Việt Nam lại vô cùng lạc hậu. Chẳng hạn, công nghệ được đánh giá là tiên tiến nhất ở Thái Nguyên hiện nay có mức tổn thất tài nguyên khoảng 70%; hệ thống thải xỉ “made in China” của nhà máy luyện đồng Tằng Lỏng thì “chẳng khác gì cái lò rèn ở nhà quê”… Nhìn chung, doanh nghiệp chỉ muốn thu hồi vốn nhanh và không muốn đầu tư lâu dài.
Cũng theo TS. Sơn, việc tổ chức quản lý hiện nay cũng không phù hợp do chức năng quản lý chồng chéo giữa các bộ ngành, giữa cấp tỉnh và trung ương; độc quyền nhà nước bị biến thành độc quyền doanh nghiệp; công cụ quản lý, giám sát thì vừa thiếu vừa yếu. “Kết quả là, ngành khai khoáng mặc dù không có nguyên liệu chính nhưng năng suất lao động và hiệu quả thấp, chưa năm nào đạt hiệu quả trên 20% như lý thuyết đề ra, hiệu quả lớn nhất như tập đoàn than cũng mới chỉ đạt 5%. Trong khi đó, theo báo cáo giám sát của Quốc hội thì ngành khai khoáng và dầu khí chỉ đóng góp 10-12% GDP, nghĩa là đầu tư đứng thứ 5 nhưng hiệu quả lại đứng thứ 8/18 ngành.”
Đặc biệt nghiêm trọng là những bê bối và kẽ hở trong quản lý ngành khai thác khoáng sản hiện nay đã, đang và sẽ còn dẫn đến tình trạng môi trường bị xâm hại như đã phát lộ trong trận lũ lụt vừa qua ở Hạ Long và hiện đang xảy ra ở mỏ khai thác alumina ở Tân Rai do thẩm lậu hóa chất độc hại khiến 100/200ha hồ ở Bảo Lộc bị nhiễm độc – TS. Sơn nhận định.
Những hạn chế trong quản lý khai thác khoáng sản tiếp tục được GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận trong vấn đề cấp phép và vốn hóa tài nguyên. Cụ thể, theo GS. Võ, hiện nay Việt Nam còn rất yếu trong bài toán vốn hóa tài nguyên trong khi điều này giúp làm tăng giá trị tài sản và là cơ hội để phát triển kinh tế: “Chúng ta đưa ra cơ chế đấu giá nhưng không có cơ chế định giá khoáng sản. Vấn đề tài chính khoáng sản hiện nay đang trống hoàn toàn. Chúng ta cần có quy trình đánh giá trữ lượng để định giá rồi mới quyết định đấu giá hay không đấu giá khoáng sản. Quy trình đấu giá hiện nay theo Luật Khoáng sản 2010 đang còn rất sơ khai, chỉ nhích một bước không đáng kể.”
GS. Võ cũng đánh giá cơ chế cấp phép hiện nay đang bị chi phối bởi mối quan hệ lợi ích. Trong khi đó việc chính sách quy định hai hình thức cấp phép – đấu giá và không đấu giá – là không phù hợp vì cơ chế này tiềm ẩn rủi nguy cơ tham nhũng rất lớn. “Tại sao luật pháp lại cho phép khoanh một phần khoáng sản không đấu giá mà không giải thích là dựa trên nguyên tắc nào? Có thể nói với quy định này, rủi ro tham nhũng bắt nguồn từ chính kẽ hở của pháp luật”, GS. Võ nhận định.
Ngoài ra, theo GS Võ, việc phân cấp quản lý khoáng sản ở Việt Nam hiện nay là méo mó. Điều này phần nào thể hiện ở chỗ sau phân cấp chỉ có công cụ kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa thực sự theo nguyên tắc quản trị với sự tham gia giám sát của cộng đồng địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền cấp xã. Tư duy phân cấp như vậy dẫn đến đến tình trạng địa phương cấp phép vượt quyền, kể cả mỏ lớn cũng chia nhỏ ra để cấp cho cùng một doanh nghiệp. Những hạn chế này gây ra những bất ổn về môi trường và khiến người dân phải gánh chịu những tổn thất không đáng có.
Nguyên là Phó tổng cục trưởng Tổng Cục thuế và hiện là Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng hiện nay khung thuế xuất đã tăng lên để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng cấp phép với lượng thuế thu được thì “đau khổ vô cùng”. Khi còn tình trạng có số vênh lớn giữa số liệu xuất khẩu của nước ta và số liệu nhập khẩu với nước khác chẳng hạn như Trung Quốc thì nghĩa là con số này không được phản ánh trên sổ sách và chúng ta bị thất thu thuế. Thất thu thuế hiện nay là 30% nhưng con số này ở ngành tài nguyên chắc chắn cao hơn nhiều.
EITI – cơ hội trong tầm tay để thay đổi
Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu đều thống nhất rằng với những bất cập của ngành khai thác khoáng sản hiện nay, việc tham gia Sáng kiến EITI là vô cùng cấp bách, không thể trì hoãn thêm nữa. Bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản, cho biết Sáng kiến EITI đã giúp quốc gia Nigeria tránh thất thu 1 tỷ USD mỗi năm từ ngành công nghiệp khai thác. Trong tình trạng tính minh bạch trong trong cấp phép của Việt Nam là rất yếu, thì yêu cầu công khai toàn bộ quy trình cấp phép của EITI nếu được thực hiện đầy đủ sẽ giúp Việt Nam cải thiện vấn đề cấp phép.
Đặc biệt, theo bà Thủy, kết quả rà soát khả năng đáp ứng chính sách của Việt Nam do Liên minh Khoáng sản thực hiện cho thấy việc tham gia EITI hoàn toàn không đi ngược lại các quy định về bí mật quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, rất nhiều yêu cầu trong EITI đã được đáp ứng bởi các quy định pháp luật của Việt Nam với các nguyên tắc tương tự về chế độ báo cáo, thu thập thông tin… Việc tham gia EITI cũng không gia tăng gánh nặng cho bộ máy quản lý của Việt Nam trong khi năng lực thực thi EITI cũng không hề là một trở ngại.
“Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay có cách tiếp cận EITI hơi ngược so với thế giới. Đối với quốc tế, việc thực thi EITI là nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý, chính sách và nâng cao năng lực quản trị. Trong khi đó, Việt Nam lại cho rằng chính sách của chúng ta chưa đủ hoàn thiện nên chưa thể thực thi EITI. Vậy câu hỏi đặt ra là khi tất cả đã hoàn thiện rồi thì cần thực thi EITI để làm gì?” – bà Thủy phân tích.
Đứng ở góc độ đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp hiện đánh giá thuế phí tài nguyên quá cao và chính sách thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo một công ty, trong vòng 7-8 năm qua thuế phí đã tăng hơn 267%, vượt mọi kế hoạch kinh doanh của công ty. Điều này tác động lớn đến các doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư cải tiến công nghệ. Nhiều doanh nghiệp khoáng sản cho rằng nhà nước mong muốn tăng thu nhưng tăng thuế chưa chắc đã đạt mục tiêu mà có thể còn gây hiệu ứng ngược. Trong khi đó, khảo sát của VCCI cũng cho thấy chi phí không chính thức của doanh nghiệp khoáng sản cao hơn rất nhiều các loại hình doanh nghiệp khác, lên tới 73%.
“Việc cấp phép không minh bạch hiện là dư địa, môi trường cho tình trạng tham nhũng khiến những doanh nghiệp có quan hệ được lợi chứ không phải những doanh nghiệp có công nghệ cao và tuân thủ pháp luật. Chính vì vậy nhu cầu minh bạch hóa của ngành khai thác là vô cùng lớn và việc tham gia EITI là rất cấp bách. Một vài doanh nghiệp có thể không ủng hộ EITI nhưng EITI sẽ mang lại tác động tích cực đối với toàn ngành khoáng sản và nền kinh tế quốc gia. Hiện nay khảo sát của chúng tôi cho thấy rất nhiều doanh nghiệp ủng hộ việc gia nhập EITI như một cách làm minh bạch.”, ông Tuấn cho biết.
Với tất cả các đánh giá tại Hội thảo đều cho rằng việc tham gia EITI của Việt Nam là vô cùng cấp bách, ông Đậu Anh Tuấn đặt câu hỏi phải chăng việc Việt Nam chậm chân tham gia EITI là do Bộ Công Thương – cơ quan được Thủ tướng giao nhiệm vụ xúc tiến thực thi EITI – không chỉ đơn thuần là cơ quan quản lý nhà nước mà còn là chủ thể sở hữu các tập đoàn lớn trong ngành khai thác? Trăn trở này của ông Tuấn được các chuyên gia khác tại Hội thảo chia sẻ và cho rằng cần có sự đánh giá, giám sát và phản biện về việc xúc tiến thực hiện EITI của Bộ Công Thương.
Bạch Dương