ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới công bố của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) khẳng định Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (Unesco) có thể đóng góp nhiều hơn cho công cuộc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu bằng cách bổ sung nhiều khu bảo tồn hoang dã vào danh sách di sản, cải thiện tính kết nối giữa các di sản và áp dụng các biện pháp bảo tồn với phạm vi rộng hơn quanh khu vực di sản.
Nghiên cứu của IUCN được thực hiện từ năm 2013 cho thấy ít nhất 2 trong tổng số 24 khu bảo tồn hoang dã có quy mô trên toàn cầu đã biến mất khỏi danh sách di sản thiên nhiên thế giới và 8 khu bảo tồn khác chỉ được Unesco bảo vệ dưới 1% tổng diện tích.
Hiện trong tổng số 228 di sản thế giới có 63 di sản trùng với các khu bảo tồn hoang dã. Điều đó có nghĩa là các di sản thiên nhiên chỉ chiếm 28% tổng số di sản thế giới được Unesco công nhận.
Hai cảnh quan hoang dã quan trọng đang được Unesco bảo vệ là đồng bằng Okavango thuộc châu Phi (2 triệu ha) và các khu vực thuộc lưu vực sông Amazon (5,3 triệu ha). Theo nhóm nghiên cứu, nhiều khu vực hoang dã có tầm quan trọng không kém nhưng không may mắn được hưởng sự bảo vệ của Unesco ví như toàn bộ lục địa Nam Cực (phần lớn thuộc Australia, một số phần của Canada, Nga, Greenland và gần như toàn bộ bán đảo Ả Rập). Hiện chỉ 1,4% diện tích sa mạc của Mỹ, 1,5% diện tích sa mạc Sahara được công nhận là di sản thế giới.
Nhóm nghiên cứu cho rằng Công ước di sản thế giới có thể đóng góp nhiều hơn và theo cách hệ thống hơn vào công cuộc bảo tồn các khu vực hoang dã bằng cách đảm bảo danh sách di sản đã bao gồm toàn bộ các khu vực hoang dã có những giá trị nổi bật; đồng thời áp dụng các biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn của các di sản thiên nhiên đã được công nhận.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất cách tiếp cận mới để bảo tồn tốt hơn các di sản thiên nhiên thế giới là cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa các hệ sinh thái và động vật sống trong các hệ sinh thái đó.
Một trong những tiêu chí để được Unesco công nhận di sản thế giới chính là tính toàn vẹn. Điều đó có nghĩa rằng các di sản phải ở trong tình trạng tốt và có đầy đủ các yếu tố cần thiết để thể hiện được những giá trị nổi bật của nó. Tuy nhiên, tính toàn vẹn của nhiều khu vực hoang dã, bao gồm cả những khu vực đang nằm trong danh sách, phụ thuộc rất nhiều vào tính đa dạng sinh học, vốn đòi hỏi các sinh cảnh rộng lớn và có tính kết nối.
Ví dụ được viện dẫn là vùng di sản thiên nhiên thế giới ở Bắc Mỹ là khu vực sinh sống của loài gấu xám. Một khi loài gấu xám biến mất khỏi khu vực này thì toàn bộ hệ sinh thái nơi đây cũng có thể bị phá vỡ, sẽ làm giảm “giá trị phổ quát”, “tính toàn vẹn” của khu vực – những yếu tố quan trọng để được Unesco công nhận là di sản.
Theo nhóm nghiên cứu, Công ước di sản của UNESCO hiện đã có một số công cụ để tăng cường bảo vệ các khu vực hoang dã, chẳng hạn như tạo các vùng đệm quanh các vùng chính (ví dụ đồng bằng Okavango có một vùng đệm 2,3 triệu ha, lớn hơn cả vùng chính). Hay như kết nối một loạt các vùng đơn lẻ với nhau, điển hình như một loạt sáu khu vực di sản thế giới bao chiếm diện tích gần nửa triệu ha rừng nhiệt đới trên đảo Madagascar. Các chính phủ cũng có thể hợp tác với nhau để cùng quản lý vùng đất được công nhận là di sản – khu vực di sản có thể khác nhau về danh giới địa lý khác nhưng có sự kết nối về mặt sinh học. Trường hợp Đức, Đan Mạch và Hà Lan cùng hợp tác để bảo vệ vùng biển di sản Wadden, con đường di cư của các loài chim dọc theo phía đông Đại Tây Dương có thể coi là một dẫn chứng tiêu biểu.
Nhóm nghiên cứu đánh giá các công cụ quản lý, bảo vệ di sản hiện có của Unesco khá hữu ích, tuy nhiên không tập trung rõ ràng vào vùng hoang dã. Do vậy, nhóm đề xuất một cơ chế mới mang tên khu “Phức hợp Di sản thế giới hoang dã”. Khu vực này là một mạng lưới các vùng di sản thế giới, các khu bảo tồn khác và vùng đệm kết nối giữa chúng. Theo đó, các khu vực di sản sẽ được sử dụng làm tâm điểm để mở rộng các biện pháp bảo vệ ra xung quanh. Phần cảnh quan bên ngoài sẽ không chính thức được công nhận là di sản thế giới, nhưng sẽ được hưởng một số biện pháp bảo vệ. Các tác giả nghiên cứu khẳng định áp dụng cơ chế này sẽ giúp cải thiện đáng kể những nỗ lực bảo tồn của Unesco, giúp Công ước Di sản thế giới thể hiện vai trò đi đầu trong thực tế bảo tồn.
Công ước Di sản của UNESCO không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới. Tuy nhiên, Công ước này vốn là một cơ chế rất được tôn trọng. Việc Unesco xem xét đề nghị này sẽ đem lại hiệu quả lớn lao cho bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.
Công ước Di sản Thế giới hình thành từ những năm 1950, khi chính phủ Ai Cập quyết định xây dựng đập Aswan trên sông Nile. Để cứu những báu vật văn hoá của người Ai Cập cổ trước nguy cơ bị nhấn chìm trong biển nước, UNESCO đã phát động một chiến dịch bảo vệ di sản trên toàn thế giới. Về sau đền Abu Simbel và đền Philae dưới chân đập Aswan đã được tháo rỡ, di chuyển đến một vị trí cao hơn. Các nỗ lực quốc tế nhằm bảo tồn di sản văn hóa này với 80 triệu USD được 50 quốc gia đóng góp đã dẫn đến sự hình thành Công ước Di sản thế giới. Sau đó, vào năm 1972, sau nhiều nỗ lực, UNESCO đã phối hợp với IUCN tích hợp việc bảo tồn thiên nhiên vào sứ mệnh của mình. |