ThienNhien.Net – Hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 161 đô thị. Dưới tác động của thiên tai, 15 thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều bị ngập do lũ, do cả lũ và triều cường và do mưa lớn.
Đô thị ngập nặng
Tác động của biến đổi khí hậu làm cho chế độ mưa lũ thay đổi cực đoan, mực nước biển dâng khiến tình trạng ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt các đô thị diễn ra ngày càng gay gắt.
Mực nước lũ tại Tân Châu năm 2011 thấp hơn năm 2000 là 20cm, nhưng mực nước lũ tại Cần Thơ năm 2011 lại cao hơn năm 2000 là 20cm. Đặc biệt, tình trạng ngập do triều, ngập do lũ ở tất cả các đô thị Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang… ngày càng sâu với tốc độ nhanh.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng cảnh báo ứng với mức kịch bản phát thải trung bình, mực nước biển trung bình vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng thêm 23cm đến 27cm vào năm 2050 và tăng 59cm đến 75cm vào năm 2100. Lúc đó, diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập trên 0,5m là hơn 3 triệu ha, chiếm hơn 80% diện tích toàn đồng bằng, tăng hơn 400.000ha so với hiện nay; độ ngập trên 1m sẽ là hơn 2,4 triệu ha, chiếm hơn 60% diện tích toàn đồng bằng, tăng hơn 600.000ha so với hiện nay.
Khi đó, ngoài các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập lũ, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Hà Tiên bị ngập trên 1m, trong đó, hai nơi bị ngập nghiêm trọng nhất là Cần Thơ và Vĩnh Long.
Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Lưu Đức Cường, trong mùa lũ, việc thoát nước của các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã rất khó khăn, khi bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, iệc thoát nước càng khó khăn hơn. Việc tiêu thoát nước tại các đô thị Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ vô cùng khó khăn và chắc chắn phải nhờ đến sự hỗ trợ của tiêu động lực.
Phát triển đô thị thích ứng
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Thục (Viện nghiên cứu định cư), chính quyền cấp tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bứt phá, sáng kiến riêng để đến nay có được một vùng nông lâm ngư nghiệp mạnh nhất cả nước. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển hệ thống đô thị vùng, các địa phương nên lựa chọn các mô hình đô thị nông nghiệp với mô hình đa dạng, có gốc từ di sản định cư truyền thống để xây dựng chiến lược chủ đạo cho vùng nhằm thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhất thiết phải phân nhóm và xây dựng mạng lưới đô thị nông nghiệp vùng gồm: đô thị sông nước, đô thị thủy sản, đô thị dịch vụ nông nghiệp, đô thị trang trại, đô thị nông nghiệp với du lịch, đô thị lâm nghiệp, đô thị biển đảo… Đặc biệt, theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Thục, cần có đô thị nông nghiệp thông minh để tạo động lực mới cho tương lai Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với kịch bản biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Quốc Việt, Vụ phó Vụ kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng trước tình trạng dễ bị tổn thương nhất khi biến đổi khí hậu tác động, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhất thiết cần ưu tiên giải quyết các vấn đề mang tính vùng, liên vùng và liên ngành.
Tác động dễ nhận biết và chịu nhiều tổn thất về kinh tế nhất đó là ảnh hưởng biến đổi khí hậu lên đô thị, lên các thành phố lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong phát triển đô thị, cần liên kết để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo, nâng cấp và phát triển đô thị; tăng cường sự phối hợp trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung giải quyết các vấn đề mang tính chất liên vùng từ công tác lập quy hoạch, lập chương trình, kế hoạch, dự án ưu tiên và cơ chế chính sách liên kết phát triển vùng, cũng như triển khai các dự án cấp vùng; tăng cường tiếp cận nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng để ứng phó biến đổi khí hậu. Cũng như tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát trển đô thị nước, đô thị sinh thái, quản lý nguồn nước, chống xâm nhập mặn và phòng chống khả năng ngập, sụt lún, mất đất do nước biển dâng của vùng.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lưu Đức Cường, Phó viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), đối với các đô thị vùng thượng lưu Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình phát triển đô thị theo nguyên tắc thích ứng với lũ. Do việc thích ứng tổng thể của vùng này là giữ lũ và chuyển lũ nên các đô thị cần hạn chế phát triển tập trung, dành không gian chứa nước và các kênh chuyển nước kết nối với các hồ lớn.
Các đô thị trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long là các đô thị thường xuyên chịu tác động kép của lũ và nước biển dâng, vùng này cũng chịu tác động của lũ như vùng thượng lưu nhưng ít cực đoan hơn, đồng thời chịu tác động của triều cường. Do đó, giải pháp phát triển đô thị vùng này là một mặt dành không gian giữ nước tạm thời, mặt khác cần kiểm soát lũ bằng đê bao, cống kiểm soát lũ, triều cường.
Đối với đô thị ven biển, chịu tác động của nước biển dâng, triều cường, xâm nhập mặn thì phát triển đô thị phi tập trung, gắn với không gian mở, dựa trên khung thiên nhiên rừng ngập mặn, sông nước.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được xác định là một trong 6 vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước. Đến nay, khu vực này đã hình thành các vùng và hành lang phát triển không gian như vùng đô thị trung tâm, vùng phụ cận và vùng đối trọng.
Tuy nhiên, để thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Đồng bằng sông Cửu Long với dạng địa hình trũng thấp, nhiều sông rạch chằng chịt cần phát triển đô thị trên cơ sở xác định mô hình hệ thống đô thị phù hợp; cân bằng hệ sinh thái, địa lý, kinh tế trong cấu trúc đô thị, nhất là tôn trọng cấu trúc đô thị nước; chủ động dành chỗ cho nước và lồng ghép giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với giải pháp quản lý thủy lợi, tiêu thoát nước.