ThienNhien.Net – Bên lề hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam tổ chức ngày 2/12 tại Thừa Thiến-Huế, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các tôn giáo về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Thưa Chủ tịch, đây là lần đầu tiên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vậy, xin Chủ tịch cho biết mục tiêu của hội nghị là gì?
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Ví dụ, các tôn giáo đã chăm sóc cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự trị an tại cơ sở, bảo tồn văn hóa dân tộc… Đó là những đóng góp đa dạng, phong phú, nhưng các tôn giáo chưa có sự kết nối vào một vấn đề chung.
Từ nhu cầu thực tiễn, chúng tôi thấy rằng các tôn giáo tuy có tôn chỉ và phong tục sinh hoạt khác nhau, nhưng ngày càng quan tâm đến vấn đề mà đất nước, nhân loại quan tâm, đó là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Trong thời gian gần đây, các tôn giáo bắt đầu hình hành chương trình của mình. Ví dụ, giữa năm 2015, Công giáo trên thế giới qua lời kêu gọi của Giáo hoàng muốn giáo dân và người dân toàn cầu quan tâm đặc biệt sự đe dọa của môi trường toàn cầu. Khi chúng tôi tiếp xúc với đại diện Công giáo và Tòa thánh Vatican, thấy rằng đây không chỉ là nguyện vọng của công giáo; đây chính là ý chí và tấm lòng của các tôn giáo khác nhau trên thế giới.
Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng, đây là thời điểm chín muồi có thể phát huy nội lực của các tôn giáo để cùng phối hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Qua 4 tháng chuẩn bị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gặp mặt 40 tổ chức tôn giáo bàn về chủ đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhận được sự đồng thuận cao. Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.”
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử từ năm 1945 đến nay, mới có hội nghị của các tổ chức tôn giáo về một chủ đề chung, gắn với lợi ích của đất nước. Trong quá trình thảo luận, chúng tôi rất vui khi các tôn giáo dùng khái niệm ngôn ngữ khác nhau, nhưng gặp nhau ở vấn đề lớn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông điệp của hội nghị là hậu quả của biến đổi khí hậu rất khôn lường. Do đó, các lực lượng cần đoàn kết, trong đó có các tôn giáo để khắc phục hậu quả, đồng thời bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hiện nay và tương lai.
– Thưa Chủ tịch, thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ đổi mới nội dung công tác tôn giáo như thế nào để tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò là trung tâm đoàn kết và phát huy sáng kiến của nhân dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo?
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Hội nghị thể hiện thực tế khi chúng ta chọn chủ đề chung gắn bó với lợi ích của nhân dân thì từng tôn giáo sẽ phát huy được sáng kiến của mình theo định hướng chung. Hôm nay có cam kết ở cấp phường và xã theo hướng ở đâu có cộng đồng các tôn giáo hoạt động thì ở đó có ít nhất 1 dự án hoặc 1 chương trình hoạt động để góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề án đó có thể chọn các lĩnh vực như: Xem việc xử lý rác thải ở mỗi phường, xã được thực hiện như thế nào. Nếu rác không được thu gom gây ô nhiễm cuộc sống thì nhân dân ở cộng đồng nói chung, tôn giáo nói riêng bàn bạc, tham gia hình thành dự án thu gom rác thải và xử lý rác thải với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc.
Thứ hai, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ nông nghiệp ở mỗi phường, xã làm thế nào giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm thông qua sử dụng phương thức sản xuất sử dụng đầu vào ít chất thải, đặc biệt lựa chọn phương thức canh tác hữu cơ, đảm bảo đúng nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây, không sử dụng quá liều.
Thứ ba, quan tâm đến việc tiết kiệm nước trong sản xuất, dùng công nghệ nhỏ giọt, tưới phun và tiết kiệm nước trong tiêu dùng. Vì nước là tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt và chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước.
Thứ tư, trao đổi với địa phương của mình có phương án sẵn sàng đối phó với thảm họa, rà soát lại phương án để sẵn sàng ứng phó với thảm họa ở địa phương mình, phường mình, xã mình, tùy điều kiện địa phương ở đồng bằng hay miền núi. Thông điệp là “mỗi cơ sở 1 dự án.”
Thứ năm, tại hội nghị, các tôn giáo cũng cam kết cùng Mặt trận Tổ quốc 2 năm một lần cùng đi giám sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn về tuân thủ luật pháp bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, việc vận động nâng cao ý thức của cộng đồng, cam kết trong khi thực hành giáo lý hằng tuần, hằng tháng của mình đều nhắc đến nghĩa vụ của công dân là bảo vệ môi trường, chăm lo thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, qua dịp này có vận động mỗi Tết trồng cây thì mỗi tôn giáo vận động trồng cây trên địa bàn mình và bảo vệ rừng. Đó là những cam kết có địa chỉ.
– Sau hội nghị “Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Chủ tịch có kỳ vọng gì kết quả hội nghị mang lại?
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Sau hội nghị từng tôn giáo nếu có cấp quốc gia sẽ hướng dẫn tôn giáo mình ở mỗi địa phương, còn nếu không tất cả các tỉnh, các tôn giáo sẽ có buổi làm việc giữa Mặt trận Tổ quốc, Sở Tài nguyên và Môi trường để ký kết chương trình triển khai thỏa thuận ở cấp tỉnh và xuống đến phường, xã. 2 năm cấp tỉnh sơ kết một lần và 3 năm sơ kết ở cấp quốc gia. Chúng tôi dự kiến trên các báo, tờ tin của các tôn giáo dành một phần nhất định để phản ánh nỗ lực này của địa phương và trên cả nước.
– Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!