ThienNhien.Net – “Mộc Châu là một trong những địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng của tỉnh Sơn La. Hạt Kiểm lâm Mộc Châu đã đóng góp tích cực trong những thành quả ấy” – ông Lò Thế Thi- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La đánh giá.
Xác định rõ chủ rừng không phải là kiểm lâm
Mộc Châu là huyện có diện tích rừng khá lớn, sau khi chia tách 14 xã sang huyện Vân Hồ (năm 2013) thì Mộc Châu vẫn còn hơn 50.304ha rừng; trong đó hơn 51,6% là rừng phòng hộ cho Thủy điện Hòa Bình, Sông Đà và Sông Mã. Chỉ vài con số nhỏ ấy đã cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển vốn rừng ở Mộc Châu.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của “lực lượng xung kích trong vai trò quản lý, bảo vệ rừng”, Hạt Kiểm lâm Mộc Châu nhiều năm qua đã tiên phong trong việc tham mưu, phối hợp tuyên truyền, vận động, tập huấn Luật Bảo vệ phát triển rừng đến cán bộ cơ sở, người dân.
Ông Đào Mạnh Phong – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu cho biết: Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, in sao các tài liệu thành quyển, thành băng đĩa để phát trên loa đài… nhằm giúp các cán bộ xã, bản, người dân nhận thức rõ vai trò chủ rừng chính là họ. Trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, cũng như quyền lợi được hưởng từ vốn rừng cả trước mắt và lâu dài cũng chính là họ. Từ nhận thức ấy, cái nhìn, cái nghĩ, việc làm của họ với rừng cũng sẽ phải thay đổi đi.
Ông Nguyễn Văn Bộ – nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tâm sự: Trước đây, không chỉ người dân mà nhiều cán bộ cũng nghĩ kiểm lâm là chủ rừng. Rừng bị phá, bị xâm lấn, bị cháy; lâm sản bị khai thác, vận chuyển trái phép… thì ai cũng nghĩ đó là việc của kiểm lâm. Nhưng từ khi được tập huấn, tuyên truyền, mới thấy pháp luật đã quy định rõ chủ rừng là chúng tôi, là tập thể chính quyền địa phương, là người dân nhận rừng khoán hộ. Tiền phí dịch vụ môi trường rừng và các khoản hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng thì mình hưởng; môi trường, nguồn nước, củi đuốc từ rừng thì mình dùng. Diện tích đất rừng giao khoán thì mình ký nhận, cầm bìa xanh… vậy thì chủ rừng phải là chúng tôi và chúng tôi phải là lực lượng có trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng.
Nhận thức đúng thì làm đúng
” Tiền phí dịch vụ môi trường rừng và các khoản hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng thì mình hưởng; môi trường, nguồn nước, củi đuốc từ rừng thì mình dùng. Diện tích đất rừng giao khoán thì mình ký nhận, cầm bìa xanh… vậy thì chủ rừng phải là chúng tôi và chúng tôi phải là lực lượng có trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng” – Ông Nguyễn Văn Bộ |
Ngay từ trước khi chia tách Mộc Châu thành 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, rừng ở Mộc Châu đã được giao cho gần 6.300 chủ rừng, gồm có: Hơn 5.200 hộ dân cư, 497 nhóm hộ, gần 600 tổ chức bản, cộng đồng bản và doanh nghiệp nghề rừng.
Số tiền hưởng lợi từ phí dịch vụ môi trường rừng mỗi năm mà các chủ rừng được hưởng đạt tới trên 10 tỷ đồng, không chỉ giúp người bảo vệ rừng cái thiện cuộc sống mà còn giúp các nhóm bản, cộng đồng dân cư có thêm nguồn kinh phí chi trả những hoạt động chung: Tuần tra bảo vệ rừng, chữa cháy rừng, làm đường giao thông, sửa nhà văn hóa, làm nguồn nước sạch…
“Cũng nhờ nhận thức đúng hơn về vai trò, trách nhiệm chủ rừng của cấp ủy, chính quyền và người dân nên hiệu quả hoạt động của Hạt Kiểm lâm Mộc Châu những năm gần đây luôn đạt rất cao. Không chỉ giảm thiểu những hoạt động xâm lấn, khai thác đất rừng, lâm sản trái pháp luật đến mức thấp nhất mà địa bàn này còn làm tốt công tác truy thu, xử phạt hành chính gọn gang, không để tồn đọng kéo dài. Hạt còn tham mưu cho huyện huy động được người dân tham gia khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng mới hàng trăm ha rừng gắn với quy hoạch du lịch sinh thái với mức chi phí đầu tư thấp nhất nhưng hiệu quả rất cao” – ông Phạm Ngọc Cừ-quyền Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Sơn La bảo vậy.