ThienNhien.Net – Cây cao su được mệnh danh là “vàng trắng” và được kỳ vọng là cây thoát nghèo của người dân các tỉnh Tây Bắc. Sau nhiều năm, khi những vườn cây cao su xanh tốt sắp cho thu hoạch, thì duyên nợ của người dân với cây cao su lại rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”… Điều đáng lo ngại là khi đất rừng bị phá bỏ để trồng cao su mà không hiệu quả thì không chỉ đời sống người dân mà cả môi trường sinh thái cũng bị ảnh hưởng.
Luyến tiếc mang rừng trồng cao su
Để có đất trồng cây cao su, chính quyền ra sức vận động người dân góp đất, kể cả đất rừng. Cán bộ làm gương đi đầu, bà con dân bản cứ thế mà theo. Tuy nhiên, việc đổi rừng lấy cao su cần được kiểm soát chặt chẽ.
1 ha cao su đổi 3 ha rừng
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu), người dân đã giao cho Công ty CP cao su Lai Châu II 300 ha đất và thời gian tới sẽ tiếp tục giao thêm khoảng 500 ha đất ở các xã phía bắc để trồng cao su. Thực tế, ở vùng này chưa có cây cao su, nhưng ông Lý Xá Hừ, Ban quản lý rừng phòng hộ phía bắc huyện Mường Tè đã lo lắng vì cùng với kế hoạch sắp tới huyện sẽ giao đất để trồng cây cao su thì đồng nghĩa với việc nhiều hécta rừng sẽ bị đốn hạ.
Theo đánh giá của ông Lý Xá Hừ, để trồng được 1 ha cây cao su thì phải mất đi 3 ha rừng. Ông Hừ lý giải: “Một 1 ha đất chỉ trồng được 540 cây cao su nhưng 1 ha rừng trồng được hàng nghìn cây lớn nhỏ. Cây rừng ở vị trí nào cũng trồng và phát triển được, nhưng cây cao su thì chỉ thích hợp ở những vị trí rừng thuận lợi. Tính toán như vậy để thấy, khi trồng cây cao su thì nhiều diện tích rừng sẽ phải bị phá bỏ, kèm theo đó là nguy cơ xói mòn cao hơn và khả năng điều hòa nguồn nước bị ảnh hưởng”.
Lai Châu được xem là thủ phủ cây cao su của miền Bắc. Theo quy hoạch về phát triển cây cao su, tỉnh này đã trồng được 13.075 ha cây cao su. Khi nói về việc phải phá bỏ bao nhiêu diện tích rừng để trồng được cao su, bà Tòng Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lai Châu cho biết: “Để phát triển cây cao su thì chắc chắn sẽ phải ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đến nay, để trồng cây cao su, Lai Châu đã có khoảng hơn 200 ha rừng bị phá bỏ. Chính quyền sẽ hỗ trợ người dân làm thủ tục chuyển đổi từ sở hữu đất rừng sang đất trồng cao su”.
Tuy nhiên, diện tích rừng bị phá bỏ để trồng cây cao su mà bà Hương cung cấp là chưa đầy đủ. Bởi, theo nguồn thông tin của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ (Lai Châu), chỉ tính riêng huyện Phong Thổ đã có tới 900 ha rừng bị san phẳng để lấy đất trồng cao su. Nếu tính cả các huyện khác như Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Than Uyên, Mường Tè nữa thì tổng số đất rừng bị phá của tỉnh Lai Châu sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Người dân ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết, trước kia rừng ở đây bạt ngàn, nhiều cây gỗ to một người ôm không xuể. Từ khi chính quyền vận động dân góp đất để trồng cao su thì diện tích rừng này bị chặt phá. Bà Sìn Thị Hoan, Trưởng bản Pá Bon nói: “Nhìn từng hécta rừng bị đốt cháy thành than, tôi xót xa lắm. Người dân bất lực chứ biết làm sao được, vì đây là chủ trương…”.
Đất rừng bị đe dọa
Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, việc phát triển cây cao su trên địa bàn chỉ là diện tích đất trống đồi trọc không có hiệu quả kinh tế, nếu không trồng cây cao su thì diện tích này cũng chỉ bỏ hoang!?
Thực trạng phát triển cây cao su ồ ạt ở tỉnh Điện Biên cũng gây bức xúc cho nhiều cán bộ quản lý lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: “Muốn trồng 1 ha cao su, sẽ phải chặt bỏ 1,3 ha rừng. Bởi trên thực tế để có diện tích đất trồng cao su là 5.200 ha thì có tới 50% diện rừng bị phá bỏ, chứ không hoàn toàn là diện tích nương luân canh hay đất trống đồi trọc”.
Trao đổi vấn đề thông tin mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết có việc phá rừng để trồng cây cao su, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cao su Điện Biên, gay gắt nói: “Tôi mà nắm được lãnh đạo nào của Sở NN&PTNT nói thế thì sẽ xử lý đến nơi. Chúng tôi làm đúng quy trình, thủ tục, chứ không tự tiện chặt phá rừng để trồng cây cao su”. |
Theo ông Khiên, công ty cao su muốn đẩy nhanh tiến độ nên cho máy múc vào đốn hạ cây rừng, rồi san ủi xuống khe suối không thương tiếc. Đó là chưa kể trong quá trình lấy đất trồng cao su, các công ty này đã nhiều lần vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình như vụ việc tháng 3/2012, Công ty CP cao su Điện Biên tuy chưa làm thủ tục chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cao su nhưng đã gấp gáp phá rừng, gây thiệt hại 4,3 ha rừng tái sinh. Người dân ngăn cản nhưng không được, khi chính quyền vào cuộc thì công ty này mới dừng lại. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, UBND tỉnh đã có Quyết định số 113 ngày 2/3/2012 xử phạt đơn vị vi phạm 50 triệu đồng và buộc phải làm đúng trình tự thủ tục mới được tiếp tục triển khai dự án. Vụ việc thứ 2, năm 2013, công ty cao su tiến hành phá rừng phòng hộ xung quanh hồ thủy lợi Bó Hoóng để lấy đất trồng cao su, nhưng người dân và Công ty thủy nông Điện Biên kiên quyết phản đối, cử người canh giữ không cho người công ty cao su vào diện tích rừng này…
Tại bản Bó Hoóng (xã Thanh Xương – huyện Điện Biên) có 27 hộ góp hơn 12 ha đất vào Công ty CP cao su Điện Biên. Theo Trưởng bản Lò Văn Dũng, số diện tích này toàn là rừng, đa phần cây to đường kính hơn 10 cm, giờ bản chỉ còn 10 ha rừng. “Trước dân bản không đồng ý phá rừng trồng cây cao su, nhưng vận động lên vận động xuống thì cũng chấp nhận. Tôi và cán bộ bản phải theo người của công ty cao su lên rừng 8 ngày để hạ cây rừng, không để dân ra gây khó dễ. Đứng nhìn từng cây từng cây bị đốn hạ, tôi cũng đau lòng và tiếc cái công trồng và chăm sóc”, anh Dũng cho biết.
Bài 2: Dân góp đất, mất tiền dịch vụ môi trường rừng