Indonesia phục hồi hệ sinh thái than bùn sau thảm họa cháy rừng

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh các vụ cháy rừng, cháy đất trong mùa khô vừa qua đã để lại nhiều hậu quả cho môi trường ở Indonesia, Tổng thống Joko Widodo trong chuyến thăm công viên Sultan Forest Adam ở tỉnh Nam Kalimantan nhân ngày lễ trồng cây 26/11 đã yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện những nỗ lực phòng cháy bền vững nhằm ngăn chặn thảm họa cháy trong tương lai.

Tỉnh Nam Kalimantan đã tổ chức ngày lễ trồng cây với kế hoạch trồng 10.000 cây xanh nhằm bù đắp cho môi trường bị tàn phá do cháy rừng. Chính phủ Indonesia cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi hệ sinh thái than bùn nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất than bùn đã bị hư hại nặng nề trong các vụ cháy rừng, cháy đất mùa khô vừa qua.

Nhân viên cứu hỏa Indonesia nỗ lực dập các đám cháy rừng tại Banyuasin, Nam Sumatra ngày 7/10 (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên cứu hỏa Indonesia nỗ lực dập các đám cháy rừng tại Banyuasin, Nam Sumatra ngày 7/10 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau một cuộc họp hẹp tại Văn phòng Phó Tổng thống, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Siti Nurbaya Bakar nhấn mạnh sự cần thiết của việc quản lý và sử dụng tốt nhằm khôi phục hệ thống đất than bùn đã bị tổn hại với sự tham gia của các cơ quan chính phủ có liên quan và các chuyên gia.

Vì vậy, Chính phủ Indonesia đang xem xét thành lập một cơ quan chuyên trách, sử dụng các lao động chuyên ngành và được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm soát các hoạt động trong lĩnh vực khôi phục hệ sinh thái than bùn; triển khai các biện pháp giúp tăng tốc độ phục hồi của hệ sinh thái than bùn.

Cơ quan này sẽ sử dụng nguồn nhân lực từ Bộ Công trình công cộng và nhà ở, Bộ Nông nghiệp, Cơ quan kế hoạch phát triển quốc gia và cơ quan thông tin địa lý không gian (GIA).

Mặc dù được xếp hạng thứ ba về độ giàu có các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng Indonesia đã trở thành “nhà sản xuất khí thải” lớn thứ 6 trên thế giới. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm tới 29% lượng khí thải carbon.

Nước này cũng đang hợp tác với Phần Lan trong nỗ lực nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất than bùn, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa hạn chế nạn cháy đất, cháy rừng tồn tại nhiều năm qua, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân quốc đảo.

Nguồn: