Trung Quốc tàn phá hệ sinh thái biển

ThienNhien.Net – Các cố vấn nước ngoài kết luận hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường biển Đông.

Ngày 26-11 (giờ địa phương) tại dinh Hòa bình ở La Haye (Hà Lan), phái đoàn Philippines tiếp tục ngày thứ ba của phiên điều trần thứ hai về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Công báo của Philippines đã công bố thông báo của Phó phát ngôn Tổng thống Philippines Abigail Valte phát từ Hà Lan.

Thông báo cho biết trong ngày 26-11, hai chuyên gia giám định gồm GS-TS Kent E. Carpenter và GS-TS Clive Schofield đã trình bày trước Tòa trọng tài thường trực.

GS-TS Kent E. Carpenter chuyên nghiên cứu sinh vật học ở ĐH Old Dominion tại Norfolk (Mỹ).

GS-TS Clive Schofield là giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên biển và an ninh thuộc ĐH Wollogong (Úc).

Đầu tiên, luật sư Mỹ Paul Reichler (phụ trách ban pháp lý của phái đoàn Philippines) đã giới thiệu hai giáo sư nêu trên là các chuyên gia độc lập trình bày các phân tích riêng trong lĩnh vực chuyên ngành của họ.

GS Clive Schofield đã trình bày kết quả nghiên cứu về 47 thực thể do Tòa trọng tài thường trực yêu cầu để xác định chúng có mang tính chất của đảo lúc thủy triều xuống và thủy triều lên hay không.

GS Alan E. Boyle, GS Philippe Sands và luật sư Paul Reichler trao đổi tại phiên điều trần (Ảnh: ABIGAIL VALTE)
GS Alan E. Boyle, GS Philippe Sands và luật sư Paul Reichler trao đổi tại phiên điều trần (Ảnh: ABIGAIL VALTE)

Ông cũng đã trình bày hình ảnh vệ tinh cho thấy bãi cạn Scarborough lúc thủy triều xuống và thủy triều lên.

Sau đó, GS công pháp quốc tế Alan E. Boyle (Trường Luật Edinburgh ở Anh) đã trình bày thiệt hại do Trung Quốc gây ra cho hệ sinh thái biển, đặc biệt là hệ sinh thái các rạn san hô, tính chất đa dạng sinh học và tài nguyên sinh học ở biển Đông.

Ông tuyên bố nếu không ngăn cản, hoạt động của Trung Quốc sẽ tiếp tục trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường biển Đông và các quốc gia ven biển Đông.

Ông khẳng định Trung Quốc đã vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, bằng chứng là các trường hợp đánh bắt hủy diệt như sử dụng thuốc nổ hay thủy ngân đánh bắt cá, săn bắt sò khổng lồ, rùa và nhiều loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Đến phần trình bày của mình, GS Kent E. Carpenter dẫn đến kết luận Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường biển Đông qua hoạt động xây đảo nhân tạo và thiệt hại đối với hệ sinh thái các rạn san hô đến mức gần như thảm họa.

GS Alan E. Boyle đã trình bày chi tiết hàng loạt vụ suýt va chạm xảy ra từ tháng 4 đến tháng 5-2012 ở bãi cạn Scarborough giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu cá Philippines (sau khi hải quân Philippines chặn bắt bọn săn trộm Trung Quốc vào năm 2012, tàu hải giám Trung Quốc đến tuần tra và cản trở ngư dân Philippines).

Ông cho rằng các sự cố này đã thể hiện thái độ tự tiện bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc về an toàn tàu thuyền trên biển.

GS Bernard Oxman (ĐH Luật Miami ở Mỹ) đã trình bày nhiều biện pháp Trung Quốc đã tiến hành dẫn đến làm xung đột nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn ngay cả trong lúc phân xử trọng tài.

Ngày thứ ba của phiên điều trần đã kết thúc vòng điều trần đầu tiên. Ngày 30-11, phái đoàn Philippines sẽ trở lại Tòa trọng tài thường trực để bước vào vòng điều trần kế tiếp.

Ngày 27-11, AP đưa tin Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Kenji Wakamiya đã gặp ông Yoshitaka Nakayama, thị trưởng TP Ishigaki (đảo Ishigaki thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư), để yêu cầu hỗ trợ kế hoạch triển khai 500 binh sĩ. Thời gian triển khai từ năm 2019. Lực lượng triển khai thuộc các đơn vị can thiệp khẩn cấp trong trường hợp xảy ra xâm nhập hoặc phòng, chống tên lửa. AP nhận định Nhật tăng cường chuẩn bị phòng thủ vào lúc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và tuần tra gây hấn gần các đảo tranh chấp. Hôm 26-11, Trung Quốc đã đòi Mỹ và Nhật “chấm dứt biểu dương sức mạnh quân sự và gây căng thẳng ở biển Đông”.

________________________________

Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì không ngăn chặn ngư dân và tàu bè Trung Quốc thực hiện các hoạt động đánh bắt trái phép.

GS công pháp quốc tế ALAN E. BOYLE