ThienNhien.Net – Tại vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, các đối tượng buôn lậu tổ chức mua than xít tại các bến, bãi hoặc thu gom than nhỏ lẻ của người dân, sau đó vận chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ.
Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than đã chỉ rõ việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là giữa các địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than chưa chặt chẽ; có hành vi tiếp tay, bao che của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than; lợi nhuận bất chính từ than rất lớn.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 21, Tổng cục Hải quan đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời, đặc biệt là xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép. Giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, tập trung vào các đối tượng trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép than nghiêm trọng, phức tạp. Đồng thời, lực lượng Hải quan các địa phương thực hiện đúng quy trình, thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát chặt chẽ các lô hàng than XK. Trong đó, lưu ý kiểm tra kỹ giấy phép của cơ quan kiểm tra chuyên ngành và hóa đơn, chứng từ đối với lô hàng XK, tránh để đối tượng lợi dụng hoạt động thượng mại thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng than qua biên giới gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế.
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng than diễn ra khá phổ biến tại vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Một số đối tượng buôn lậu móc nối với các công ty có chức năng hoạt động khai thác kinh doanh than, khoáng sản để ký kết các hợp đồng, mua bán vận chuyển nội địa. Không dừng lại ở đó, nhóm đối tượng này còn vận chuyển than không giấy tờ, sử dụng hóa đơn chứng từ của lô hàng đã XK, lô hàng bị tịch thu để quay vòng hợp thức hàng lậu. Để đối phó với lực lượng làm nhiệm vụ, bọn chúng còn sử dụng thủ đoạn nâng cấp trọng tải của tàu không qua Đăng kiểm, trộn than chất lượng cao với than chất lượng thấp, thậm chí khai báo than chất lượng thấp để trốn thuế…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1) lập Kế hoạch tác chiến. Từ giữa tháng 10 đến nay, Hải đội 1 đã phát hiện, kiểm tra và tạm giữ, đề xuất xử lý 11 phương tiện thuỷ vận chuyển than vi phạm. Trong đó có 9 tàu vận chuyển 7.993,63 tấn than xít; 1 tàu vận chuyển 90,14 tấn than cám 6B và 1 tàu vận chuyển khoảng 30 tấn than cục. Hoạt động này thường diễn ra vào ban đêm và lúc rạng sáng, ở các vùng biển xa bờ. Các đối tượng buôn lậu tổ chức mua than bã xít tại các bến, bãi hoặc thu gom than nhỏ lẻ của người dân tại tỉnh Quảng Ninh, sau đó vận chuyển đi các tỉnh khác tiêu thụ. Phần lớn các phương tiện khi lực lượng kiểm tra, chủ tàu không xuất trình được bất kỳ hoá đơn chứng từ liên quan đến phương tiện, hàng hóa hoặc có hoá đơn chứng từ nhưng qua xác minh không hợp lệ theo quy định.
Điển hình là ngày 17-10, tại khu vực đèn Ba Lăng (vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh), lực lượng Hải đội 1 đã đồng loạt ra quân chặn đứng 3 tàu lần lượt mang các số hiệu: BN0636, HD1476, QN7003 vận chuyển trái phép tổng số 2.400 tấn than xít đều không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Mới đây nhất, ngày 4-11-2015, tại vùng biển Cát Hải – Hải Phòng, Tổ công tác thuộc Hải đội 1 kiểm tra tàu TB1881 do ông Phạm Tiến Bách Tùng (sinh năm 1982, trú tại Điệp Nông, Hưng Hà, Thái Bình) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu TB1881 đang vận chuyển khoảng 470,31 m3 than xít không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tiếp đó, cũng tại vùng biển Cát Hải, Hải đội 1 phát hiện tàu đẩy NB6150 thuộc Tập đoàn xi măng Vissai Ninh Bình, do ông Nguyễn Trung Thành (sinh năm 1982, trú tại Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình) làm thuyền trưởng có vận chuyển khoảng 938,01 m3 than xít không có hoá đơn chứng từ hợp lệ.
Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 9 tháng đầu năm 2015, các lực lượng: Cảnh sát biển, Hải quan và Bộ đội Biên phòng đã phối hợp phát hiện, bắt giữ gần 22.000 tấn than, quặng.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia dự báo, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng than vẫn tái diễn tại vùng biển Quảng Ninh, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi phức tạp. Các đầu nậu từ trong nước câu kết với các đối tượng nước ngoài sử dụng tàu thuyền không treo cờ quốc tịch, sử dụng tàu cá đã hoán cải để thực hiện hành vi vi phạm.