ThienNhien.Net – Power Up là sự kiện hưởng ứng Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra tại Paris, Pháp.
Đông đảo bạn trẻ đã đến tham dự đêm hội nghệ thuật Hành động vì khí hậumang tên Power Up tại Cargo Event Space, quận 4, TP.HCM. Chương trình do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Phong trào toàn cầu về BĐKH 350.org Việt Nam thực hiện.
Sử dụng năng lượng tái tạo
Power Up là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Tuần hành toàn cầu vì khí hậu (Global Climate March) diễn ra đồng loạt tại hơn 100 quốc gia vào hai ngày 28 và 29-11. Đây cũng là sự kiện tiêu điểm hưởng ứng Hội nghị quốc tế về BĐKH COP21 diễn tại Paris, Pháp. Mục đích kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có những hành động cấp thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Việc sản xuất năng lượng từ các nhiên liệu hóa thạch, điển hình là than đá, được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra BĐKH. Do vậy, ngay trước thềm hội nghị, hàng trăm ngàn người sẽ tham gia các cuộc tuần hành trên khắp thế giới nhằm gửi thông điệp chung tới các nhà lãnh đạo: “Hãy giữ nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, cung cấp tài chính cho việc chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo trước năm 2050”. Với những thông điệp ý nghĩa này, tại Việt Nam, Power Up mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, lãnh đạo doanh nghiệp về các vấn đề BĐKH, năng lượng và bảo vệ môi trường.
Góp chung tiếng nói
Sự kiện được thiết kế gồm bốn khu vực chính là nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo, nghệ thuật và điện ảnh. Tham gia chương trình, các bạn trẻ đã được trải nghiệm những hoạt động truyền thông về BĐKH mới mẻ và độc đáo; tìm hiểu các thông tin về than đá; diện kiến “phù thủy than đá”; tạo hình lá phổi bị hủy diệt và chụp ảnh với các thông điệp kêu gọi hạn chế sử dụng than đá tại khu vực nhiên liệu hóa thạch. Song song đó, ban tổ chức đã bố trí góc thông tin về năng lượng tái tạo; cánh đồng chong chóng gió; tham dự đám cưới Trái đất và năng lượng tái tạo; thỏa sức xem các bộ phim ý nghĩa về BĐKH tại khu vực điện ảnh; thử thách bản thân với các hoạt động sôi động khác như nhảy flashmob, đố vui, in dấu vân tay vì môi trường…
Bắt đầu lúc 7 giờ tối là những khoảnh khắc tuyệt diệu với tiết mục ca hát, nhảy múa, kịch nghệ hấp dẫn. Khán giả được xem trích đoạn và giao lưu cùng đạo diễn tài năng Nguyễn Võ Nghiêm Minh về bộ phim Nước 2030. Đây là bộ phim được xây dựng trên bối cảnh các vùng ven biển miền Nam Việt Nam nguy cơ bị ngập sâu do BĐKH vào những năm 2020-2030. Trong khuôn khổ chương trình tại khu vực sân khấu chính, tất cả người tham dự cùng các nghệ sĩ chụp ảnh với băng rôn, biểu ngữ. Đồng thời, cùng nhau hô vang khẩu hiệu kêu gọi việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo. Những hình ảnh, đoạn phim này sẽ được truyền đến các kênh toàn cầu, đưa tiếng nói của người dân Việt Nam tới COP21.
Các phản ứng về BĐKH bắt đầu tại Hội nghị quốc tế về BĐKH tại Rio de Janeiro, Brazil vào năm 1992. Tại đây, 155 quốc gia trong đó có Việt Nam đã ký kết Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (UNFCCC). Công ước này đặt ra khuôn khổ hành động nhằm ổn định nồng độ khí quyển của khí nhà kính (GHGs) để tránh “can thiệp nguy hiểm với hệ thống khí hậu”. UNFCCC có hiệu lực vào tháng 3-1994, hiện nay có tổng cộng 195 nước tham gia. Các nước này sẽ gặp nhau tại hội nghị các bên (COP) thường niên nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện công ước. COP đầu tiên diễn ra tại Berlin, Đức vào năm 1995 và nối tiếp sau đó là các cuộc họp quan trọng. Chẳng hạn như COP3 diễn ra tại Nhật Bản, là nơi Nghị định thư Kyoto được thông qua; COP11 tại Canada công bố Kế hoạch hành động Montreal… Năm 2015, COP21 dự kiến thu hút gần 50.000 người tham gia. Trong đó có 25.000 đại biểu chính thức từ chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc… |