ThienNhien.Net – Cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp xăng dầu đều đang thiếu động lực để chuyển sang mua – bán xăng E5 bởi nhiều lý do
Theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1-12, 50% cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu phải bán xăng E5. Thời hạn sắp đến nhưng cả người dân và đại lý xăng dầu đều ngại chuyển đổi.
Khó thay đổi thói quen
Chị Vũ Thị Tú – ở quận Đống Đa, TP Hà Nội – cho biết thường xuyên đổ xăng A92 và không muốn thay đổi sang xăng E5 vì rẻ hơn 500 đồng/lít thì không đáng bao nhiêu, trong khi chất lượng không kiểm chứng được. Một khách hàng khác băn khoăn khi ông mua ô tô, nhà sản xuất không khuyến cáo nên hay không nên sử dụng xăng E5 mà chỉ đề nghị ưu tiên sử dụng xăng A95, nếu không có điều kiện thì dùng A92 và thống nhất trong suốt quá trình sử dụng.
Theo ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực I – số người biết và sử dụng xăng E5 chỉ chiếm phần nhỏ nhưng khi vẫn tồn tại song song cả 2 loại xăng mà giá cả không chênh lệch nhiều thì người tiêu dùng chọn xăng truyền thống cho yên tâm. Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) đánh giá chênh lệch giá xăng E5 so với xăng khoáng nếu tăng đến 1.000 đồng/lít hoặc cao hơn vẫn khó giải quyết được vấn đề tâm lý của người tiêu dùng trong lựa chọn nhiên liệu.
“Thay đổi suy nghĩ là không dễ. Chỉ có cách ngưng hẳn xăng A92, ai băn khoăn sẽ đổ xăng A95, còn bình thường sẽ xài xăng E5” – đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất.
Giảm lợi nhuận kép
Theo đại diện Saigon Petro, việc khuyến khích kinh doanh xăng E5 rất khó bởi đại lý không mặn mà dù được chiết khấu tương đương như bán xăng khoáng và có chính sách khuyến khích tăng chiết khấu nếu tăng sản lượng bán. Saigon Petro có 6 cửa hàng trên địa bàn TP HCM thì tất cả đều bán xăng E5. Các công ty mà Saigon Petro có cổ phần cũng đều thực hiện đủ 50% cửa hàng bán xăng E5. Tuy vậy, doanh số không đáng kể. Địa phương duy nhất trong hệ thống đạt doanh số khá tốt là Cần Thơ bởi TP này quyết định chỉ bán xăng E5.
Một lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở phía Bắc phân tích: Chiết khấu hoa hồng chỉ bằng hoặc cao hơn chút ít so với xăng khoáng thì không hấp dẫn đại lý bởi giá xăng E5 chỉ thấp hơn xăng khoáng 500 đồng/lít, chưa đủ khuyến khích người mua – tức là doanh số thấp, trong khi lợi nhuận trên mỗi lít xăng lại không cao hơn. Như vậy, đại lý không được lợi cả về doanh số lẫn lợi nhuận nên khuyến khích họ tham gia bán xăng E5 rất khó. Nhiều đại lý phải bán xăng E5 là do nhiệm vụ chứ chưa vì mục đích kinh doanh.
Theo ông Tiu, phải dành cho đại lý bán lẻ chiết khấu hoa hồng bình quân 1.000 đồng/lít thì mới mong họ bán xăng E5. Chiết khấu tăng là để bù vào doanh thu sụt giảm. Nếu không, doanh thu và lợi nhuận đều giảm, tức là họ giảm lợi nhuận kép, thì việc vận động tham gia sớm vào lộ trình là bất khả thi. Ông Tiu cho biết dù rất nỗ lực nhưng doanh thu, sản lượng xăng E5 do công ty ông tiêu thụ chỉ bằng 10%-20% tổng lượng xăng bán ra.
“Cái khó là xăng E100 (dùng để pha khi làm xăng E5) sản xuất tại phía Nam đã có giá 18.000 đồng/lít, vận chuyển ra Hà Nội thì giá lên tới 20.000 đồng/lít, trong khi xăng khoáng A92 chỉ trên 17.000 đồng/lít. Chênh lệch như thế thì rất khó xử lý. Lúc này, cần có bàn tay hỗ trợ của nhà nước với cả người tiêu dùng và đại lý, đồng thời kiên quyết giảm dần tỉ trọng xăng A92, nâng tỉ trọng xăng E5” – ông Tiu nhận xét.
Không đủ sức cạnh tranh
Hiện cả nước có 7 nhà máy ethanol với năng lực pha chế 8,6 triệu tấn xăng E5. Trong đó, 4 nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất ethanol để phối trộn xăng sinh học E5. Nhìn chung, lượng xăng E5 hiện đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ đại trà thì chắc chắn phải cố gắng nhiều, nguồn cung mới đủ. Hơn nữa, khó khăn lớn nhất là giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh khiến giá xăng E5 không đủ sức cạnh tranh như kỳ vọng khi xây dựng lộ trình chuyển đổi. |