ThienNhien.Net – Năm 2015 vẫn đang hiện thực hóa dự báo của các nhà khoa học về năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới, khi tháng 10 vừa qua đã trở thành tháng Mười nóng nhất kể từ năm 1880, tiếp sau 7 tháng “xô đổ” mọi kỷ lục về mức nhiệt.
Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA) ngày 18/11, nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng 10 vừa qua được ghi nhận ở mức 14,98 độ C, cao hơn 0,98 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20.
Đây là tháng thứ 8 trong năm 2015 (trừ tháng 1 và 4), nhiệt độ được ghi nhận ở mức kỷ lục kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1880.
Điều này đã khiến nền nhiệt trung bình trong 10 tháng đầu năm 2015 cao hơn 0,86 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 và vượt kỷ lục năm ngoái 0,12 độ C. Với những kỷ lục liên tiếp về mức nhiệt, năm 2015 vẫn đang trên đường “soán ngôi” năm 2014 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Báo cáo hàng tháng của NOAA cũng cho biết tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra tại hầu hết các khu vực trên Trái Đất, đặc biệt là khu vực Nam Mỹ, Trung Mỹ, phía Tây Bắc Mỹ, châu Phi, hầu hết khu vực giao giữa lục địa Á-Âu và phần lớn Australia.
Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện tượng El Nino vẫn đang mạnh lên khiến mức nhiệt ở mặt nước các đại dương tăng 0,85 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20.
Báo cáo được công bố ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) sẽ khởi động tại Paris, Pháp cuối tháng 11 này.
Tại đây các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nỗ lực đề ra kế hoạch giảm bớt tình trạng nóng lên toàn cầu và những tác động có hại kéo theo như là hạn hạn, lụt lội và lốc xoáy.