LHQ kêu gọi đầu tư vào quản lý nguồn nước, giảm nguy cơ dịch bệnh

ThienNhien.Net – Kể từ năm 1990 đến nay, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy đã ảnh hưởng tới hơn 4 tỷ người và khiến thế giới thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD.

Những con số này được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra trong cuộc thảo luận về mối liên hệ giữa quản lý nguồn nước và giảm bớt nguy cơ dịch bệnh ngày 18/11 tại trụ sở Liên hợp quốc.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh các vấn đề về nước và khắc phục thiên tai có mối liên hệ sâu sắc. Do đó, việc đầu tư vào quản lý nguồn nước và giảm nguy cơ dịch bệnh cũng đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cứu được nhiều sinh mạng và bảo vệ hạ tầng cơ sở thiết yếu trước sự tàn phá của thiên tai.

Theo Tổng Thư ký, quản lý nguồn nước và giảm bớt nguy cơ dịch bệnh đóng vai trò quan trọng sống còn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tăng khả năng tiếp cận năng lượng và đối phó với những thách thức nảy sinh từ hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng.

Nguồn: La Repubblica
Nguồn: La Repubblica

Cũng tại cuộc thảo luận, các đại biểu cho biết tài nguyên nước hiện vẫn chưa được công nhận giá trị đầy đủ và khâu quản lý còn lỏng lẻo. Hầu hết các quốc gia đều không có hệ thống giám sát thích hợp cho cả khối lượng lẫn chất lượng nước và đặc biệt là sử dụng lãng phí. Trong khi đó, nhiều nước thường xuyên phải đối phó với những tình huống dịch bệnh khẩn cấp liên quan đến nguồn nước, song lại chưa đưa việc quản lý rủi ro nguồn nước vào trong kế hoạch phát triển quốc gia.

Theo các đại biểu, để cả thế giới có thể tiếp cận nước uống sạch, các chính phủ cần phải tăng cường những nỗ lực mở rộng các dịch vụ nước uống. Cụ thể là bằng cách đẩy nhanh các cuộc cải cách thể chế, xóa bỏ tham nhũng và tăng cường năng lực cũng như kinh phí cho các lĩnh vực dịch vụ nước. Các quốc gia phải đề ra những chính sách chống lãng phí nước, quan tâm hơn tới việc bảo vệ nguồn nước, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm nước. Ngoài ra, cần phải tổ chức và tăng cường các hệ thống giám sát chất lượng nước uống trên quy mô quốc gia cũng như trên toàn cầu. Một điểm quan trọng khác là phải tập trung hơn vào việc quản lý nguồn nước ở đô thị để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nước do chất thải công nghiệp.

Cuộc thảo luận nêu trên nằm trong chuỗi hoạt động Những Ngày vệ sinh và nước sạch 2015 do ​ tổ chức từ 18-20/11 tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ. Đáng chú ý là cuộc hội thảo diễn ra đúng 12 ngày trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, gọi tắt là COP21, ở Paris, Pháp. Tại đây các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nỗ lực đề ra kế hoạch giảm bớt tình trạng nóng lên toàn cầu và những tác động có hại kéo theo như là hạn hán, lụt lội và lốc xoáy.

Nguồn: