ThienNhien.Net – Đến ngày 14/11, tất cả các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã hoàn tất việc lắp thiết bị phân ly dầu-nước.
Đây là một động thái tích cực của tỉnh Quảng Ninh nhằm bảo vệ môi trường nước Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Để các chủ tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long chủ động lắp đặt thiết bị phân ly dầu-nước trên các phương tiện của mình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định sẽ đình chỉ hoạt động hoặc không cấp phép rời bến đối với tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long nếu không lắp đặt thiết bị phân ly dầu-nước sau ngày 1/11.
Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hơn 400 tàu du lịch đã được lắp đặt hệ thống phân ly dầu-nước nhằm bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có hàng trăm con tàu vận tải thủy nội địa hay xà lan không lắp đặt thiết bị phân ly dầu-nước (hiện không có chế tài bắt buộc lắp đặt) vẫn hoạt động ngày đêm tại đây, do vậy môi trường nước của Vịnh Hạ Long vẫn có nguy cơ bị ô nhiễm từ nguồn nước thải nhiễm dầu của các phương tiện trên.
Chính quyền địa phương lại không thể bắt buộc hàng trăm các phương tiện thủy khác như sà lan, tàu vận tải loại nhỏ đang ngày đêm hoạt động trên Vịnh Hạ Long, nhất là hàng chục chiếc xà lan đang vận chuyển chở cát, đất đá cũng như nguyên, vật liệu xây dựng phục vụ các công trường thi công các dự án trọng điểm bên bờ Vịnh lắp đặt thiết bị này.
Theo thống kê, mỗi tháng có khoảng 54 ngàn lượt phương tiện vận tải thủy hoạt động trên vùng nước Vịnh Hạ Long.
Với số lượng và mật độ tàu hoạt động cả ngày lẫn đêm lớn như vậy nên lượng nước thải nhiễm dầu (nước thải la canh) xả ra môi trường là không nhỏ.
Đặc biệt, các phương tiện như xà lan vận tải nguyên vật liệu, đất đá phục vụ cho việc san lấp Vịnh Hạ Long hoạt động với tần suất lớn trong ngày trong thời gian gần đây đang là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến môi trường nước Vịnh Hạ Long, làm ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan, hoạt động du lịch biển, gây phản cảm cho du khách.
Thực tế này đã gây bất bình trong dư luận, đặc biệt là trong cộng đồng những chủ tàu du lịch vừa lắp đặt hệ thống phân ly dầu-nước.
Theo họ, phương tiện vận tải hoạt động trên Vịnh Hạ Long đều như nhau cả, sao chính quyền địa phương chỉ bắt buộc đối với tàu du lịch mà lại không hề có quy định nào cho các phương tiện vận tải thủy khác như xà lan, tàu vận tải, tàu đánh bắt cá…
Họ cho rằng, nước xả thải của các phương tiện kể trên còn có nguy cơ gây ô nhiễm tới Vịnh Hạ Long nhiều hơn so với các tàu du lịch, nhất là tàu du lịch hạng sang.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho rằng: Do số phương tiện thủy tham gia giao thông trên Vịnh Hạ Long khá đa dạng, nhiều phương tiện không thuộc diện quản lý của Quảng Ninh mà của các địa phương khác nên rất khó trong công tác quản lý, chưa thể áp dụng quy định bắt buộc lắp đặt hệ thống phân ly dầu-nước (đối với tàu có công suất dưới 220Kw).
Bất cập trên đã được chính quyền và các ngành chức năng của Quảng Ninh nhìn nhận. Dư luận đánh giá cao việc Quảng Ninh yêu cầu các các phương tiện vận tải du lịch lắp đặt thiết bị phân ly dầu-nước để bảo vệ môi trường nước, song người dân cũng mong các ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp quản lý tốt hơn việc xả thải nước thải của các phương tiện thủy đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long, bảo vệ tốt hơn chất lượng nước của Di sản thiên nhiên thế giới.