ThienNhien.Net – Việc giữ cây gỗ quý chẳng khác nào như giữ vàng. Nếu không thường xuyên túc trực, canh giữ thì bất kể vào thời điểm nào những cây gỗ quý sẽ bị lâm tặc đốn hạ ngay lập tức.
Tại tỉnh Gia Lai, lâu nay cây gỗ giáng hương đã được các nhà chức trách đưa vào diện bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn gen. Hiện nay, gỗ hương lâu năm (nhóm I) trên địa bàn tỉnh chỉ còn rải rác ở rừng quốc gia Kon Ka Kinh và tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, huyện Kbang. Quý là vậy, nhưng trong nhiều năm qua trên địa bàn gỗ hương đã bị triệt hạ không thương tiếc.
Báo cáo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, huyện Kbang cho biết, từ tháng 1-2014 đến nay trên lâm phần do Công ty quản lý đã xảy ra 59 vụ khai thác gỗ hương trái phép. Số cây bị đốn hạ trong thời gian này được thống kê là 101 cây, với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 227 m3, gây thiệt rất lớn về giá trị kinh tế.
Dù công tác quản lí và bảo vệ rừng vẫn được chỉ đạo quyết liệt, thậm chí là gay gắt, nhưng chẳng hiểu vì lí do gì rừng ở đây vẫn “chảy máu”. Chỉ trong vòng 18 tháng qua, một lượng lớn gỗ hương thuộc diện quý hiếm đang được quản lý bị lâm tặc đốn hạ đã làm xôn xao dư luận tại địa phương. Những người liên quan và có trách nhiệm, người thì bị đi tù, người bị kỷ luật nhưng điều người dân quan tâm liệu loài cây quý hiếm này có còn tiếp tục bị đốn hạ?
Mới đây, Sở NN&PTNT cùng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa đã tiến hành khảo sát toàn bộ khu vực rừng do Công ty quản lý. Số gỗ hương được kiểm kê đến thời điểm hiện nay ở trong lâm phần Công ty quản lí chỉ còn 306 cây, nằm rải rác trong hơn 20 tiểu khu.
Ông Nguyễn Văn Hải- Kiểm sát viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cho biết, trên địa bàn Gia Lai còn rất ít gỗ hương. Đã thế, lâm tặc tập trung kéo về đây nhằm đốn hạ loại gỗ quý này. Trước, tình hình rất căng thẳng, chỉ lắng xuống trong thời gian gần đây, sau khi các lực lượng được tăng cường truy quét.
“Nhưng các chốt của Công ty hiện chỉ có 2 hoặc 3 người. Các chốt này phải ăn ở, túc trực trong rừng. Hầu như các anh em không dám đi ra khỏi rừng, vì chỉ cần sơ hở là lâm tặc lẻn vào chặt hạ cây. Lâm tặc chủ yếu lợi dụng vào lúc trời mưa, đêm khuya, ngày lễ để lẻn vào rừng” – ông Hải cho biết thêm.
Còn theo kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, do gỗ hương có giá trị nên lâm tặc vào rừng chỉ chọn một cây để chặt, rồi dùng những phương tiện thô sơ đưa ra khỏi rừng nên rất khó phát hiện và nếu có bị bắt thì cũng khó truy cứu trách nhiệm hình sự.
Công ty Lâm nghiệp Krông Pa hiện đang quản lý 8.428 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là 7.152ha, nằm trên địa bàn 4 xã Krong, Đăkrong, Sơn Lang, Sơ Pai, huyện Kbang; trong đó 78% diện tích nằm trên địa bàn xã Krong. Trước sự nhòm ngó, rình rập của lâm tặc, khó khăn của công tác quản lý, nếu các ngành chức năng không có biện pháp mạnh tay hơn thì nguy cơ nguồn gỗ quý hiếm này sẽ bị xóa sổ.