ThienNhien.Net – Trên thế giới, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân gây ra hơn 3 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Theo một bản đồ tương tác mới nhất về chất lượng không khí thế giới với dữ liệu cập nhật liên tục, trong khi khói bụi bao phủ hàng ngày tại một số thành phố như Delhi của Ấn Độ, những nơi còn lại cũng đang dần tiến tới tình trạng tương tự.
Bản đồ này được phát triển bởi nhóm môi trường Air Quality Index China (tạm dịch là Chỉ số chất lượng không khí Trung Quốc – AQICN) tại Bắc Kinh, trong sự hợp tác với các cơ quan bảo vệ môi trường tại hơn 70 quốc gia. Nhóm liên tục thu thập hơn 5.900 nguồn dữ liệu từ hơn 8.000 trạm giám sát chất lượng không khí tại gần 1.000 thành phố, và chỉ các dữ liệu từ cơ quan chính phủ mới được sử dụng. Bản đồ được cập nhật 15 phút/lần.
Chỉ số của mỗi thành phố trên bản đồ được đo bằng nồng độ các hạt vật chất (PM 2,5) và được đánh giá trên thang 0-500 quy mô theo Chỉ số chất lượng không khí của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), kèm theo ảnh hưởng tương ứng tới sức khỏe cộng đồng. Các nghiên cứu từ lâu đã chứng minh mối liên quan giữa khói bụi với hàng loạt các vấn đề sức khỏe như tăng nguy cơ đau tim, giảm phát triển nhận thức hay các vấn đề hô hấp.
Có thể thấy nhanh từ bản đồ sự tương phản giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, hầu hết các thành phố đều xếp hạng “không trong lành”, thậm chí một số thành phố ở phía bắc nước này rơi vào hạng mục “vô cùng ô nhiễm”.
Trong khi đó tại Mỹ, chất lượng không khí chủ yếu được xếp hạng “tốt”, một số thành phố miền Nam thuộc hạng “vừa phải” (màu vàng).
Việc lập bản đồ cập nhật theo thời gian có thể giúp các nhà chức trách nhìn thấy xu hướng ô nhiễm trong khu vực từ một thành phố nhất định, từ đó thiết lập chính sách thích hợp nhằm giảm ô nhiễm trước khi tới ngưỡng “nguy hiểm”.
Tuy nhiên, bản đồ hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện. Đến nay, số liệu mới chỉ bao gồm các thành phố lớn tại các nước đang việc phát triển như Delhi, Ấn Độ và Sao Paulo, Brazil. Phần lớn dữ liệu về châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông vẫn còn thiếu sót, trong khi chính các nước đang phát triển ở các khu vực này mới có mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Ví dụ tại Nigeria, khoảng 94% dân số phải sống dưới bầu không khí ô nhiễm vượt quá mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.
AQICN khẳng định nhóm đang nỗ lực tăng từ 10-20% số trạm thu thập dữ liệu nhằm củng cố độ bao phủ của bản đồ.