ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, tình trạng khai thác, vận chuyển buôn bán than lậu diễn ra nhức nhối, gia tăng về tính chất và quy mô so với thời điểm gần giáp tết năm ngoái. Do thị trường xuất lậu đi Trung Quốc không còn “ngon ăn” như trước, những đối tượng than “tặc” chuyển hướng ngay trong nội địa nhằm cung cấp cho các nhà máy, cơ sở sản xuất với giá luôn thấp hơn rất nhiều giá bán của Tập đoàn Than khoáng sản (TKV).
Biết nhưng bất lực
Vụ việc mới đây nhất, một điểm khai thác lộ thiên trái phép bị chính lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phát hiện tại tiểu khu 62, xã Tân Dân (thuộc khu rừng phòng hộ hồ Yên Lập, huyện Hoành Bồ) cho thấy mức độ ngang nhiên, thách thức pháp luật của những đối tượng chủ mưu. Một khu vực “nhạy cảm” thuộc rừng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước ngọt cho hồ Yên Lập bị các đối tượng đưa phương tiện đến đào bới như một công trường trong một thời gian dài mà không hề bị các lực lượng chức năng phát hiện. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu phải xử lý thật nghiêm, cụ thể là phải điều chuyển công tác Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã Tân Dân.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hành vi vận chuyển than trái phép nhưng tình trạng này trên các tuyến đường không hề giảm. Thủ đoạn của họ là sử dụng xe gắn logo trà trộn vào các xe được phép vận chuyển của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, gây khó khăn cho lực lượng thực thi. Phía dưới biển, tính chất, số lượng còn phức tạp và lớn gấp nhiều lần. Theo tìm hiểu của Lao Động, việc xuất lậu than qua biên giới ở vào thời điểm này gặp bất lợi do phía Trung Quốc hạn chế nhập, nên nguồn cung trong nội địa tăng.
Trao đổi về việc này, ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch HĐTV KTV – cho biết: Một số đơn vị tiêu thụ than lớn trong nước như ngành ximăng, phân bón, dù có hợp đồng mua than của TKV, nhưng hiện nay họ chuyển dần sang mua bên ngoài (kể cả nguồn trôi nổi) với giá thấp hơn tập đoàn. “Nhiều đơn vị ký hợp đồng nhưng không lấy theo tiến độ, số lượng mua than cũng ít hơn so với công suất của các nhà máy đó. Nên chắc chắn họ phải có nguồn than khác bù vào. TKV biết nhưng hoàn toàn bất lực” – ông Chuẩn bày tỏ lo lắng.
Những vụ bắt giữ các tàu than trái phép có số lượng hàng nghìn tấn gần đây được cơ quan cảnh sát biển, hải quan, công an phát hiện chỉ là con số nhỏ về thực trạng vận chuyển than trái phép trên tuyến đường biển diễn ra hiện nay. Dọc theo các tuyến sông Đá Bạc tiếp giáp giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, từ nhiều năm qua, người ta có thể nhìn thấy cả chục bến cảng lớn nhỏ phía địa giới Hải Phòng chứa đầy ắp than với tàu ra vào tấp nập. Câu hỏi đặt ra là: Than đó tuồn từ đâu ra, vận chuyển ra sao?
Khó loại bỏ tận gốc?
Trước tình trạng nhức nhối này, tỉnh Quảng Ninh tức tốc thành lập 2 trạm kiểm soát liên ngành “trực chiến” 24/24h. Một trạm đặt ngay trên tuyến QL18 và trạm còn lại án ngữ địa phận khu Đá Bạc (TP.Uông Bí) – cửa ngõ tiếp giáp với những bến cảng chứa than phía đầu Hải Phòng. Theo một đại diện của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh Quảng Ninh, các quy định chế tài xử phạt các đối tượng vận chuyển than trái phép còn vướng nhiều bất cập. “Nghị định 142/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản không có điều khoản nào quy định hình thức xử lý hành chính đối với hành vi vận chuyển, chế biến, mua bán, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Do vậy, các lực lượng khi xử lý hành chính đối với các hành vi này gặp khó khăn và chưa có hướng giải quyết cụ thể” – vị đại diện Ban chỉ đạo 389 của tỉnh băn khoăn.
Chưa kể, công tác quản lý của các đơn vị thuộc TKV cũng còn bộc lộ sơ hở, thiếu sót trong khâu quản lý nội bộ. Nhiều vụ việc thông đồng bị phát hiện trong thời gian qua như gian lận phẩm cấp tại Nam Mẫu; sửa số liệu xuất bán than qua cân điện tử ở Tuyển than Hòn Gai; thông đồng trộm cắp than tại Cty xây dựng mỏ hầm lò 1… chỉ là một lát cắt nhỏ bị phát hiện mà thôi. Bên cạnh đó, chính sách thông thoáng trong việc cho phép tư nhân, doanh nghiệp ngoài ngành tổ chức kinh doanh, tận thu than và tham gia vào hoạt động sản xuất đã tạo điều kiện cho một số đơn vị trong và ngoài ngành than câu kết trộm cắp than. Cách đây vài tháng, lực lượng chức năng tạm giữ 1 tàu than cám trọng tải 4.000 tấn vừa rời cảng km6 không có giấy tờ. Nhưng chỉ ít ngày sau, đơn vị liên quan đã trình đủ các loại giấy tờ chứng minh số than đó từ việc thu mua, tận thu và phát mại (loại giấy phép mà nhiều đơn vị được cấp coi là “bảo bối”) – nhằm lập lờ hợp thức hóa nguồn gốc than trôi nổi, bất hợp pháp (?!).
Điều thắc mắc của dư luận, trong rất nhiều vụ việc bắt giữ số lượng lớn than trái phép hay xét xử, dường như người ta không thể lôi ra ông “trùm” đứng sau đường dây này (?). Dù lãnh đạo Quảng Ninh quyết tâm bao nhiêu, nhưng các cán bộ ở dưới không thực sự quyết liệt, vẫn dung túng cho “than tặc” sẽ không thể loại bỏ tận gốc vấn đề. Việc lãnh đạo TP. Hạ Long trong nhiều cuộc đích thân đi kiểm tra, vây bắt than “thổ phỉ” trên địa bàn các phường trong đêm tối thường phải sử dụng lực lượng quân đội và thanh tra đô thị cho thấy sự mất niềm tin vào lực lượng công vụ sở tại. Rõ ràng cuộc chiến chống than “tặc” còn đầy gian truân.