ThienNhien.Net – Bờ biển Hội An và Cù Lao Chàm được xem là tài nguyên du lịch vô giá của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, tình trạng sóng biển gây sạt lở vào đất liền ngày càng nghiêm trọng khiến cho các bãi biển du lịch của tỉnh bị biến dạng, nhiều bãi biển tuyệt đẹp đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Bãi biển bị mất, đồng nghĩa với việc đánh mất sự hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là khách quốc tế khi tới Quảng Nam. Thực trạng này đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch Quảng Nam.
Với lợi thế bờ biển dài hơn 32km, nằm dọc theo tuyến đường du lịch ven biển Đà Nẵng-Dung Quất, gắn với phố cổ Hội An, phường Cửa Đại, thành phố Hội An, có bãi biển, cửa sông đẹp và cảng du lịch, phường Cửa Đại có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, trong đó ngành dịch vụ du lịch và thương mại được xác định hàng đầu.
Tuy vậy, phát triển dịch vụ của phường Cửa Đại nói riêng và của thành phố Hội An nói chung đang đối diện với những khó khăn thách thức trước nạn xâm thực ngày càng sâu vào đất liền gây sạt lở bờ biển, biến dạng bãi tắm.
Nhiều bãi biển tuyệt đẹp trên địa bàn phường Cửa Đại nay chỉ còn trong ký ức, nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá của Quảng Nam đang bị sóng biển bào mòn mỗi ngày.
Là hộ kinh doanh dịch vụ du lịch lâu năm tại phường Cửa Đại, ông Nguyễn Bi cho hay: “Tình trạng sóng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng như hiện nay không những làm biến dạng bờ biển, bãi biển tuyệt đẹp, nơi không thể không ghé thăm của du khách mỗi khi đến Hội An mà việc buôn bán của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Trước đây bãi biển còn nguyên vẹn, mỗi ngày có hàng nghìn du khách đến tham quan, tắm biển, việc làm ăn của chúng tôi nhờ đó cũng phát đạt.”
Tỉnh Quảng Nam xác định sản phẩm du lịch biển, khai thác không gian văn hóa biển đảo, trước hết là bờ biển thành phố Hội An, không gian văn hóa biển đảo Cù Lao Chàm là hướng ưu tiên phát triển mạnh trong những năm tới. Do đó, trước khi có một giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng mất dần tài nguyên biển, ngành du lịch Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam phải tìm cách thích nghi với thực tế để duy trì đà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cửa Đại, thành phố Hội An, cho biết: “Cùng với việc đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư kè chống sạt lở, hỗ trợ kinh phí để tạo bãi và giữ bãi biển, chúng tôi xác định rằng ngoài việc buôn bán kinh doanh, làm dịch vụ du lịch truyền thống, cần vận động nhân dân phát triển mạnh loại hình du lịch homestay, phát triển các dịch vụ du lịch sông nước, phát huy các ngành nghề, các làng nghề truyền thống… để ổn định đời sống của các hộ kinh doanh du lịch. Bởi vì, khi hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ổn định cuộc sống và đầu tư kinh doanh thì ngành du lịch mới giữ được tốc độ phát triển”.
Trước sự xâm thực ngày càng nghiêm trọng của sóng biển khiến tài nguyên du lịch biển đảo Hội An nói riêng và du lịch biển đảo Quảng Nam nói chung bị tác động tiêu cực, thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển Hội An trong thời gian qua chỉ mang giải pháp tình thế tạm thời. Để giải quyết vấn đề chống sạt lở một cách căn cơ, ổn định lâu dài, tỉnh Quảng Nam đã nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nguyên nhân của việc sạt lở và đưa ra giải pháp khoa học để ngăn chặn tình trạng này nhằm bảo vệ tài nguyên du lịch biển đảo.
Tại cuộc hội thảo khoa học mới đây được tổ chức tại thành phố Hội An, giáo sư-tiến sỹ Hitoshi Tanaka, Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường vùng châu Á-Thái Bình Dương, cho biết trên cơ sở các dữ liệu thu thập và đánh giá kỹ, cần triển khai các cuộc điều tra, đánh giá chi tiết nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng sạt bờ biển ngày càng nặng dẫn đến phá vỡ các bãi biển xinh đẹp.
Trước mắt, để cứu bờ biển Hội An, các nhà khoa học đề nghị tỉnh Quảng Nam có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác cát tự nhiên quá mức ở phía thượng nguồn các con sông cũng như đầu tư kinh phí để tạo bãi và nuôi bãi ven biển nhằm ngăn chặn tình trạng sóng biển gây sạt lở bờ biển.
Cũng tại hội thảo này, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhất các yếu tố tác động đến tình trạng sạt lở bờ biển, các kiến nghị và giải pháp của các nhà khoa học đưa ra, tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng một kế hoạch dài hơi để trình cấp trên quan tâm bố trí nguồn vốn thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển và bãi biển một cách lâu dài và ổn định.
Trước mắt, các công ty du lịch và địa phương phải thực hiện giải pháp tạm thời để hạn chế tình trạng xói lở gây tác động tiêu cực đến các khu du lịch.
Khai thác tiềm năng không gian văn hóa biển đảo để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch biển đảo có chất lượng cao là nhu cầu tất yếu của ngành du lịch Quảng Nam. Vấn đề mang tính quyết định đến sự thành công trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo là phải xử lý một cách khoa học, bền vững và thân thiện với môi trường để giữ tài nguyên biển. Đây là thách thức không nhỏ của tỉnh Quảng Nam trong hiện tại và tương lai.