ThienNhien.Net – Tại Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn, bình quân mỗi tháng có gần 100 cây gỗ bị chặt hạ, nhưng có tới 90% số vụ không bắt được lâm tặc.
Theo thống kê của vườn, hơn một nửa số dân tại các thôn/buôn quanh vườn chuyên sống bằng gỗ lậu, đứng sau là các băng nhóm tội phạm đầu tư phương tiện, nhu yếu phẩm cho dân đi rừng, thậm chí đưa tiền cho dân… nộp phạt. Nếu không có biện pháp quyết liệt hơn, VQG Yók Đôn sẽ “rỗng ruột” trong một ngày không xa.
Mỗi tháng mất gần 100 cây gỗ
Làm việc với PV Báo Lao Động ngày 28.10, ông Đỗ Quang Tùng – Giám đốc VQG Yók Đôn – thừa nhận, tình trạng phá rừng đang “rất nóng”, trong lâm phần liên tiếp xảy ra nạn khai thác, vận chuyển gỗ quý. Điển hình là ngày 19.8, Trạm Kiểm lâm số 8 phát hiện 2 cây gỗ giáng hương cổ thụ (nhóm 2A) bị cắt hạ tại tiểu khu 417, với khối lượng gỗ thiệt hại 6,5m3; tổ tuần tra bắt giữ 1 đối tượng, người này khai thêm 4 lâm tặc trú ở thôn 14 (xã Ea R’Vê, huyện Ea Súp).
Ngày 5 và 6.9, kiểm tra tại khu vực trục vớt gỗ dọc suối Đắk Đam, kiểm lâm vườn phát hiện một số bãi gỗ nằm ở mép suối, ước tính hơn 100m3 nhưng chưa xác định được đưa từ đâu tới. Đêm 16.9, kiểm lâm vườn bắt tiếp 1 xe ôtô 16 chỗ chở gỗ đỗ trong sân nhà dân, chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ…
Theo thống kê, bình quân cứ mỗi ngày VQG Yók Đôn có 3 cây gỗ bị chặt hạ, tính ra mỗi tháng mất gần 100 cây. Lũy kế từ đầu năm đến nay, vườn đã phát hiện 470 vụ vi phạm (chủ yếu là khai thác gỗ trái phép), tịch thu gần 200m3 gỗ, 560 phương tiện phá rừng các loại.
Cũng theo ông Tùng, lâm tặc tại huyện Buôn Đôn ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả kiểm lâm khi bị phát hiện. Ngày 27.7, tổ tuần tra thuộc Trạm Kiểm lâm số 6 phát hiện vụ vận chuyển gỗ trong tiểu khu 471, 3 đối tượng đã dùng dao đe doạ, chống đối quyết liệt, không cho kiểm lâm thu giữ tang vật. Chỉ đến khi có lực lượng chức năng tăng cường, tổ tuần tra mới đưa được tang vật, phương tiện và các đối tượng này về xử lý.
Tiếp đó, ngày 20.8, Trạm Kiểm lâm số 6 phát hiện 2 xe máy vận chuyển gỗ hương, các đối tượng đã dùng dao, gậy, gạch đá tấn công kiểm lâm rồi tẩu thoát. Nghiêm trọng hơn là ngày 22.8, một chiếc xe của Đội Kiểm lâm cơ động số 1 đi tuần tra đã bị 4 lâm tặc chặn đường hành hung, khiến kiểm lâm viên Phan Văn Khương bị thương ở mắt phải khâu 4 mũi. “Chúng còn bắn tin là sẽ “phang” cả tôi, các anh công an bảo tôi phải cẩn thận khi đi vào các khu dân cư giáp ranh với vườn” – ông Tùng nói.
Dân bỏ ruộng, đổ xô đi làm gỗ
Theo ông Tùng, khai thác gỗ trái phép là một trong những nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ dân ở các thôn/buôn quanh VQG Yók Đôn. Hiện 1m3 gỗ nhóm 1 bán tại rừng tương đương với 4 tấn thóc, mỗi khúc gỗ nhỏ bỏ trong gùi cũng từ 200.000 – 300.000 đồng, do vậy người dân không còn mặn mà với đồng áng mà tập trung làm gỗ lậu. Theo ước tính của vườn, có tới 50% số hộ thường xuyên khai thác gỗ, đứng đằng sau là nhiều băng nhóm tội phạm chuyên xúi giục, đầu tư phương tiện, kinh phí, kích động người dân chống đối kiểm lâm.
Thời gian gần đây, khi vườn tăng cường chốt chặn các ngả đường, lâm tặc lại chọn những cây nhỏ đường kính 20-30cm, cắt thành nhiều khúc nhỏ để gùi, vác luồn lách trong rừng. Do vậy số vụ chặt cây nhỏ đang có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói là phần lớn các vụ khai thác gỗ trái phép đều không bắt được quả tang, số vụ có chủ chỉ chiếm khoảng 10%. Lý giải điều này, ông Tùng cho rằng do địa bàn quá rộng, vi phạm thường có tổ chức, đối tượng manh động, khi gọi được lực lượng tăng cường thì chúng đã tẩu tán tang vật và chạy mất. Còn việc vào rừng đặc dụng, mang phương tiện, công cụ chỉ bị xử lý hành chính – thực tế hầu như không xử lý được, trong khi nó mang lại hậu quả rất lớn như bẫy giết động vật nhóm IB, cưa gỗ nhóm IA…
Lâm tặc đông như thế, nhưng lực lượng kiểm lâm vườn thì quá mỏng. Là một trong những VQG lớn nhất nước, với diện tích lên đến 115.545ha nhưng Yók Đôn chỉ có 217 người, thiếu 13 người theo chuẩn bình quân chung. Nhưng ông Tùng cho rằng, với tình hình thực tế của VQG Yók Đôn, đặc biệt là địa hình bằng phẳng, có thể xâm nhập từ mọi hướng thì cần có ít nhất 1 kiểm lâm/250ha, chứ 1 người/500ha theo chuẩn chung thì không quản nổi.
Để chặn đứng nạn phá rừng tại VQG Yók Đôn, ông Tùng cho biết đang tiến hành rà soát những kiểm lâm có biểu hiện thoái hóa, biến chất, bắt tay lâm tặc để xử lý. Vườn cũng kiến nghị Cục Kiểm lâm tăng cường biên chế, thành lập thêm các cơ động, thí điểm tuần tra bằng ngựa, chó nghiệp vụ; đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo lực lượng chức năng triệt phá những băng nhóm, đầu nậu thu mua gỗ, xúi giục người dân đi rừng.
Đặc biệt, cần xác minh và bắt ngay 7-8 chiếc xe không biển số, thay biển số giả liên tục để vận chuyển gỗ lậu từ các thôn/buôn giáp vườn đi tiêu thụ. “Trước mắt chưa có ngựa, tôi chỉ đạo khi tuần tra rừng, kiểm lâm phải đi bộ hoặc xe đạp nhằm đảm bảo bí mật, bản thân tôi cũng thế”. Nói rồi ông giám đốc dắt xe đạp ra, đạp một mạch gần 4 cây số từ Hạt Kiểm lâm về trụ sở chính của VQG Yók Đôn lúc giữa trưa – trong khi mấy chiếc ôtô biển xanh đang nghỉ mát trong trụ sở Hạt Kiểm lâm Yók Đôn.
Chiếm 60% số vụ vi phạm toàn tỉnh
Giám đốc VQG Yók Đôn Đỗ Quang Tùng cho biết, vi phạm tại VQG Yók Đôn (thuộc Bộ NNPTNT) chiếm 60% số vụ xảy ra hằng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong khi lực lượng kiểm lâm của vườn chỉ bằng 10% của tỉnh, đặc biệt là vườn chỉ có 1 người được ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính – Giám đốc vườn, kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm vườn. |