ThienNhien.Net – “Trong thuyết duyên khởi, cộng tồn của Phật giáo có đề xuất mô thức sống “hài lòng, biết đủ để giảm hưởng thụ cực đoan” và từ đó chúng tôi mong muốn hội thảo lần này sẽ đi đến cam kết chung về bảo vệ tài nguyên nước, cũng như môi trường sinh thái tại tiểu vùng này”- Hòa thượng Thích Trí Quảng chia sẻ.
Ngày 13/11, tại TP HCM, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế, chủ đề “Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển”, với sự tham dự của 300 khách mời, chuyên gia nghiên cứu Phật học trong nước và quốc tế.
Tham gia Chủ tọa Hội thảo có ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ông Most Ven. Lama Lobzang- Tổng Thư ký Liên minh Phật giáo toàn cầu và đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ.
Trong diễn văn chào mừng, Hòa thượng Thích Trí Quảng- Phó Chủ tịch Hồng đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhấn mạnh, ngoài những vấn đề Phật giáo được thảo luận, chia sẻ nghiên cứu tại Hội thảo lần này thì Phật giáo các nước tiểu vùng Mekong cũng thảo luận, cam kết cùng thúc đẩy ý thức toàn cầu về hòa bình, an ninh, môi trường và phát triển bền vững vùng Mekong.
“Trong thuyết duyên khởi, cộng tồn của Phật giáo có đề xuất mô thức sống “hài lòng, biết đủ để giảm hưởng thụ cực đoan” và từ đó chúng tôi mong muốn hội thảo lần này sẽ đi đến cam kết chung về bảo vệ tài nguyên nước, cũng như môi trường sinh thái tại tiểu vùng này”- Hòa thượng Thích Trí Quảng chia sẻ.
Theo PGS.TS Võ Văn Sen- Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, một trong những vấn đề sẽ được hội thảo làm rõ là môi sinh và môi trường của sông Mekong đang bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm này đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cư dân nơi đây. Trong đó, các di tích Phật giáo vùng Mekong cũng bị tác động và có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị mai một bởi phải chịu sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và sự xâm hại của chính con người…
Còn Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ- Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho rằng, phát triển lòng từ bi phổ quát, con người sẽ ý thức hơn về việc giảm tiêu thụ các nguồn điện năng, nâng cao thái độ hài lòng và biết thế nào là vừa đủ; thu gom chất thải ô nhiễm và độc hại, tái chế rác thải thành các năng lượng,…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu Phật học cũng nhìn nhận thực tế Phật giáo các nước tiểu vùng sông Mekong đang tiên phong trong xu hướng đổi mới Phật giáo.
Trong đó, PGS.TS Nguyễn Công Lý cho rằng, điểm nhấn trong sự đổi mới này chính là xu hướng toàn cầu hóa và những vấn đề được Phật giáo quan tâm và truyền đi thông điệp của mình. Theo chuyên gia này, xu hướng tới đây thì Phật giáo vùng Mekong sẽ còn tham gia sâu hơn vào việc nâng cao ý thức bảo tồn và tôn tạo những giá trị di sản văn hóa Phật giáo, nhất là đối với những di sản đã được Liên hợp quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới.