ThienNhien.Net – Từ nay đến năm 2030, nhu cầu tăng trưởng điện của Việt Nam luôn ở mức cao, từ 7 đến 10% mỗi năm. Điều này càng trở nên thách thức khi quá trình sản xuất điện phải tuân thủ những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Thách thức năng lượng
Đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một báo cáo mới công bố đã cho rằng, “Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp khả năng tiếp cận điện cho người dân, với hầu hết 100% dân số có điện. Tiếp cận điện năng cũng đã song hành với cải thiện hiệu quả vận hành và chất lượng dịch vụ. Kể từ năm 1990, tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng từ 54% lên 98%. Trong hai thập kỷ qua, 10 triệu hộ dân (tương đương với 40 triệu người) đã có điện, chủ yếu thông qua quá trình điện khí hóa nông thôn trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của quốc gia. Rất ít nước trên thế giới có thể đạt được điều này trong một thời gian ngắn và với địa hình khó khăn như Việt Nam”.
Dẫu vậy, ngành điện vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong giai đoạn tới. Đó là thiếu nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện dẫn đến Việt Nam phải nhập khẩu than ngay từ năm 2016 và quy mô tiếp tục tăng lên khoảng 50 triệu tấn năm 2020, hơn 80 triệu tấn từ sau năm 2030. Một khi 4/5 lượng than cho các nhà máy nhiệt điện đến từ nguồn nhập khẩu thì sự phụ thuộc năng lượng của quốc gia và các rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào một loại nhiên liệu chi phối để phát điện sẽ ngày càng lớn. Đó là chưa kể, lượng phát thải cũng sẽ tăng theo gây áp lực lên môi trường.
Bởi vậy, trước thách thức về nhu cầu điện nói riêng cũng như năng lượng nói chung cho tương lai, Việt Nam được khuyến nghị là cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả và khai thác nhiều nguồn năng lượng khác nhau để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra việc tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường trao đổi điện trong khu vực cũng nêu lên như một giải pháp quan trọng để có thêm nguồn cung điện với giá hợp lý.
Cơ chế cho điện sạch
Việt Nam hiện có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao trong tổng cơ cấu phát điện, với thủy điện chiếm 42% tổng sản lượng phát điện, cao hơn nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta dường như vẫn bỏ qua nguồn năng lượng tận dụng được lợi thế sẵn có như phát triển điện năng từ tiềm năng gió và mặt trời. Xét ra, cho đến giờ, đây vẫn là điểm còn khuyết thiếu trong cơ chế chính sách phát triển năng lượng của chúng ta.
Trên thực tế, những nguồn năng lượng chi phí thấp và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng hiện nay, mô hình tiêu thụ và sản xuất, tốc độ đô thị hóa chưa từng có đang gây áp lực rất lớn lên các nguồn tài nguyên. Trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng khá lớn và có thể đưa sản lượng điện sản xuất từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên đạt khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 và hơn 452 tỷ kWh vào năm 2050, thì lại chưa được khai thác đúng mức.
Theo báo cáo có tựa đề “Khảo sát con đường phát triển ít phát thải các-bon cho Việt Nam” được phát hành tại Hội nghị năng lượng vừa được Bộ Công thương phối hợp với WB tổ chức, kịch bản tăng trưởng ít phát thải các-bon sẽ không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, và thậm chí về lâu dài có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Dĩ nhiên, thực tế trên không phải không có sức hấp dẫn. Nhưng vấn đề đi kèm của việc chuyển sang chiến lược đầu tư ít phát thải các-bon lại chính là bài toán khó giải về vốn đầu tư ban đầu. Cụ thể, đầu tư tăng thêm để thực hiện kịch bản tăng trưởng ít các-bon giai đoạn 2014 – 2020 được tính toán là ba tỷ USD/năm, cao gấp ba lần so với những đầu tư cần thiết trong giai đoạn 2021 – 2030. Bài học từ Ấn Độ là dùng cơ chế, chính sách để khuyến khích các nguồn lực đầu tư từ xã hội cho phát triển nguồn, và cơ chế linh hoạt giúp kéo giá điện mặt trời giảm xuống đáng kể chỉ trong vòng năm năm thực thi.
Tuy nhiên, ngay cả khi khai thác tốt tiềm năng năng lượng tái tạo như trên đã phân tích, thì Việt Nam vẫn có thể không đáp ứng đủ nhu cầu điện trong tương lai. Bởi vậy, vấn đề tiết kiệm điện rất được coi trọng, để có thể giúp tránh bổ sung thêm nhà máy nhiệt điện than đã được quy hoạch cho năm 2021.
Theo ước tính của các chuyên gia WB, 51% lượng giảm phát thải trong giai đoạn 2015 – 2030 có thể tăng lên nhờ vào các sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả trong toàn bộ nền kinh tế, mà cụ thể là giảm nhu cầu về điện. Cụ thể là giảm 11% nhu cầu phát điện vào năm 2030, điều này tương đương với giảm 7% (11,7 GW) yêu cầu bổ sung công suất phát điện giai đoạn 2015-2030, tức là khoảng 8,6 tỷ USD chi phí vốn cho các nhà máy điện và giảm 17,6 tỷ USD yêu cầu nhập khẩu than giai đoạn 2015-2030.
Chỉ bằng con đường tăng trưởng ít phát thải các-bon, Việt Nam mới có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia với việc đạt giảm phát thải tích lũy 845 triệu tấn CO2 vào năm 2030. |
Để làm được điều này có 25 biện pháp chính được nêu ra và đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể để thực thi với tất cả các ngành và lĩnh vực. Điểm quan trọng nữa là yêu cầu ngành điện cần thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cho phát triển ngành điện đang trở nên cấp thiết.
Thêm vào đó, đã đến lúc không thể trì hoãn việc chuyển đổi giá điện sang cơ chế thị trường, tách hoạt động công ích ra khỏi sản xuất, kinh doanh điện. Muốn vậy, cần xóa bỏ bao cấp trong hai khâu sản xuất và tiêu thụ điện để bảo đảm giá điện tạo ra động lực đủ lớn khuyến khích đầu tư và sử dụng điện tiết kiệm. Đủ điện nhưng phải sạch đã là đòi hỏi cao hơn mà Việt Nam cần phải lựa chọn để vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa bảo vệ được môi trường, bởi những trả giá về an sinh xã hội của cư dân quanh các nhà máy nhiệt điện chắc hẳn là điều không ai muốn lặp lại.