ThienNhien.Net – Xuất hiện nhan nhản trên khắp mặt báo và là mối lo ngại của hàng triệu gia đình nhưng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn không được xử lý rốt ráo khiến tình trạng mất an toàn thực phẩm ngày càng bùng phát mạnh mẽ, gây mất niềm tin và hoang mang cho người tiêu dùng.
Chủ đề an toàn thực phẩm gần đây được hâm nóng liên tục bởi các thảo luận tại hội trường Quốc hội về góp ý, sửa đổi Bộ luật Hình sự, tại các sự kiện do Bộ NN&PTNT tổ chức và được đặt trong bối cảnh Việt Nam cùng 11 quốc gia vừa công bố toàn văn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, việc phanh phui một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn trong thời gian gần đây khiến dư luận rất hoang mang và bức xúc, điển hình là vụ sử dụng thuốc diệt cỏ để ngâm tẩm chuối tại Bình Dương[1], nuôi lươn bằng thuốc tránh thai tại Nghệ An[2], nhuộm vàng gà bằng chất Vàng Ô (nguyên liệu làm ve quét tường hoặc được dùng để nhuộm vải)[3] tại TP.HCM…
Đa phần các ý kiến từ phía chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng lỗ hổng lớn nhất trong câu chuyện gia tăng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là do luật quy định thiếu chặt chẽ, thậm chí, bất khả thi. Hệ thống pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm hiện tương đối đủ đầy, từ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 cho đến các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP cùng rất nhiều quyết định, thông tư quy định về kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 1999 dành riêng Điều 244 quy định về tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với ba khung hình phạt chính kèm thêm một số hình phạt bổ sung. Ngoài ra, các Điều 186, 187, 188 Bộ luật Hình sự cũng đề cập một vài khía cạnh liên quan đến an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để khởi tố một vụ án hình sự về an toàn thực phẩm lại không đơn giản.
Cụ thể: Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: (i) người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm; (ii) Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm; (iii) Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Theo quy định nêu trên, yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” được coi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và mức độ “hậu quả nghiêm trọng” ở đây được thể hiện bằng việc “gây thiệt hại cho tính mạng” hoặc “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng”. Tuy nhiên, đa số các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay, bao gồm cả những hành vi nguy hiểm như sử dụng hóa chất công nghiệp hay nguyên liệu quá hạn để chế biến thực phẩm… đều ít khi gây hậu quả chết người ngay lập tức nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 244. Duy chỉ có một vài trường hợp hiếm hoi bị xử lý hình sự vì gây ngộ độc chết người như vụ rượu nếp 29 Hà Nội gây chết sáu người vào tháng 12/2013. Ngay khi xảy ra vụ việc, Cơ quan điều tra tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, bắt giam Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu rượu nếp 29 Hà Nội cùng hai nhân viên pha chế để điều tra về hành vi sản xuất rượu nếp gây độc làm chết nhiều người theo Điều 244.
Với yếu tố “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng” thì lại càng khó khăn hơn bởi các cơ quan chức năng sẽ phải chứng minh việc ăn thực phẩm đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào? ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm? thiệt hại đến mức độ nào thì sẽ bị xử lý hình sự?… Ngoài ra, quy định về phạm tội gây hậu quả “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” theo như khoản 2, 3 Điều 244 cũng không có văn bản hướng dẫn chi tiết nên phần lớn các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức (căn cứ theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm).
Đáng chú ý, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ áp dụng với cá nhân nên trong trường hợp tổ chức (công ty, cơ sở sản xuất) vi phạm thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không thể thực hiện được.
Trước những hạn chế của quy định hiện tại, dư luận đều rất trông mong vào việc góp ý, sửa đổi Bộ luật Hình sự đang được thảo luận tại Quốc hội với kỳ vọng chế tài xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ chặt chẽ và khả thi hơn.
Một trong những điểm tiến bộ của Dự thảo Bộ luật Hình sự (bản thảo ngày 30/10/2015) là đã hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân tại Điều 2 (cơ sở chịu trách nhiệm hình sự), Điều 8 (khái niệm tội phạm), Điều 33 (các hình phạt đối với pháp nhân) và chương XI (Những quy định đối với pháp nhân phạm tội). Trong đó, liên quan trực tiếp đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm) và Điều 316 (Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm).
So với Điều 244 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 316 Dự thảo Luật quy định chi tiết hơn nội dung các điều, khoản, đồng thời tăng nặng mức phạt tù tối đa từ 15 năm lên 20 năm và tăng mức phạt tiền tối đa từ 15 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Riêng với pháp nhân, nếu vi phạm quy định tại Điều 316 có thể bị phạt tối đa 7 tỷ đồng hoặc bị cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định; bị cấm huy động vốn; bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Tuy nhiên, xét về tính khả thi của Điều 316 thì vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn bởi khó có thể giám định chính xác tỷ lệ tổn thương cơ thể do việc sử dụng nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh để áp khung hình phạt.
Tương tự, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan ngại với tính khả thi của nội dung Điều 193 trong Dự thảo Luật vì hậu quả của việc sử dụng hàng giả là lương thực, thực phẩm khó có thể bộc phát ra ngay để giám định chính xác tỷ lệ tổn thương cơ thể. Do đó, tại buổi thảo luận sáng 30/10/2015 về Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) đề nghị Ban soạn thảo nên căn cứ vào hàm lượng sử dụng chất cấm trong lương thực, thực phẩm quá mức quy định bao nhiêu lần để định mức xử phạt tương ứng chứ không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể do sử dụng lương thực, thực phẩm là hàng giả.
Đồng tình với việc cần nâng cao tính răn đe trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng đề nghị bổ sung riêng một điều về tội sản xuất, buôn bán sử dụng vượt mức cho phép các chất cấm, chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm và khung hình phạt này phải tương ứng như khung hình phạt về tội sản xuất và buôn bán hàng giả về lương thực, thực phẩm – quy định tại Điều 193.
Ngoài hai điều (193 và 316) quy định trực tiếp về hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự thảo Luật cũng đề cập đến tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm – tương tự như Bộ luật Hình sự hiện hành, trong đó hàng cấm ở đây bao hàm cả các chất cấm, chất độc hại đang được sử dụng rộng rãi trong thức ăn chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, quy định ở cả Luật hiện hành và Dự thảo Luật đều chưa đảm bảo tính khả thi và răn đe trong thực tế.
Cụ thể, nội dung các Điều 153, 154, 155 của Bộ luật hiện hành không có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là số lượng hàng cấm lớn, rất lớn, đặc biệt lớn để định khung xử phạt nên không áp dụng được. Trong khi đó, Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (Tội vận chuyển, tàng trữ hàng cấm) của Dự thảo Luật lại chủ yếu căn cứ vào giá trị hàng phạm pháp hoặc khả năng thu lợi của chủ hàng để định tội. Theo quy định tại hai điều luật này, hàng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc chủ hàng thu lợi/có khả năng thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến trên 500 triệu đồng thì mới bị xem xét xử lý hình sự. Quy định như vậy rõ ràng không phù hợp với thực tế bởi mặt hàng cấm được sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến lương thực, thực phẩm đa phần đều có giá trị vô cùng nhỏ (vì chủ yếu là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ), do đó khó có thể khởi tố vụ việc và xử lý triệt để hành vi vi phạm loại này. Mặt khác, khả năng thu lợi bất chính trong việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là chất cấm sử dụng trong lương thực, thực phẩm – đối với mỗi một sự vụ cụ thể – cũng không lớn tới con số vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi lần vi phạm, vì vậy cần xem lại tính khả thi của các điều luật.
Tại một hội nghị mới đây về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều đại biểu rất đồng tình với ý kiến cần bổ sung hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào nhóm các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bị xử lý hình sự vì Luật hiện hành và Dự thảo Luật Hình sự mới chỉ quy định xử lý hình sự với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển. Ngoài ra, cần quy định rõ hành vi chỉ đưa một lượng chất cấm vào trong chăn nuôi, trồng trọt là đã là vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự chứ không chờ tới khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng con người mới xử lý. Lúc đó thì đã quá muộn.
Ngày 25/11/2015, dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Hy vọng Dự thảo sẽ tiếp tục được bổ sung, sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao tính răn đe với nhóm tội phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm được sản xuất, chế biến, buôn bán tại Việt Nam.
Đại úy Phan Thị Kim Thoa, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – C49
————————-
[1] bit.ly/1NsIPMY
[2] bit.ly/tnnoo1
[3] bit.ly/tnn002