ThienNhien.Net – Các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, điện thoại… ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nhưng sau một thời gian hữu ích, các thiết bị này bị bỏ đi, trở thành rác thải. Vấn đề rác thải điện tử hiện đã đến mức báo động vì lượng rác quá lớn đang thải ra môi trường mỗi ngày.
Manh mún hoạt động tái chế
Một kết quả nghiên cứu của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Môi trường TPHCM cho thấy, trên toàn TPHCM, tổng nhu cầu tiêu dùng và thải bỏ thiết bị điện tử từ năm 2011 đến nay đối với ti vi là gần 3,5 triệu cái/năm tương đương 4.262 tấn/năm; điện thoại di động là gần 5 triệu cái/năm tương đương 81 tấn/năm; máy vi tính là 1,5 triệu cái/năm tương đương 1,801 tấn/năm. Mức phát thải trung bình đối với ti vi là 0,57kg/người/năm; điện thoại di động là 0,011kg/người/năm; máy vi tính là 0,24kg/người/năm.
Các nguồn phát sinh chất thải điện tử tại TPHCM chủ yếu là do bản thân hoạt động nội tại như hộ gia đình, công sở, trường học, khách sạn, nhà sản xuất phân phối, sửa chữa và do nguồn từ bên ngoài vào như các tỉnh thành thuộc vùng ĐBSCL, nhập khẩu trái phép. Dự báo đến năm 2020 TPHCM sẽ có khoảng 10.860 tấn/năm chất thải điện tử thải ra môi trường.
Theo tiến sĩ Trần Minh Trí, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Môi trường, TPHCM là trung tâm kinh tế-thương mại lớn nhất của cả nước. Song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, khối lượng tiêu thụ đồ dùng điện tử ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc chất thải điện tử cũng ngày một lớn. Trong khi đó, công tác quản lý chất thải điện tử trên địa bàn thành phố từ công đoạn thu gom, vận chuyển cho đến tái chế, tiêu hủy hiện nay còn nhiều hạn chế. Bên cạnh khả năng gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng và môi trường do chứa nhiều thành phần nguy hại như As, Li, Pb, Hg, Br… và các chất có khả năng phá hủy tầng ozone như CFC, HCFC.
Điều đáng nói, cho đến nay về mặt pháp lý, dòng chất thải điện tử vẫn chỉ được quản lý bởi các quy định chung về chất thải rắn và chất thải nguy hại. Công tác quản lý chất thải điện tử tại thành phố hoàn toàn chưa có sự tham gia của các nhà sản xuất, phân phối. Việc áp dụng các công cụ chế tài, đặc biệt là công cụ tài chính còn chưa hình thành. Phần lớn các cơ sở thu gom, vận chuyển, lưu trữ chất thải hoạt động không có giấy phép, nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, quy mô nhỏ. Ngay như thành phố cũng chưa có sự quan tâm cần thiết đến hoạt động tái chế chất thải điện tử. Hiện các cơ sở tái chế chất thải chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tái chế thùng phuy, dầu cặn và không có liên quan đến chất thải điện tử. Riêng tại một số cửa hàng bán sản phẩm điện tử cũ thì tái chế bằng cách phân loại, bóc tách các bộ phận còn sử dụng được. Sau đó tiêu thụ tại thị trường nội địa cho các đối tượng sử dụng có mức sống thấp hơn hoặc xuất đi thị trường Trung Quốc. Phần không tái sử dụng được thì bỏ theo rác thải sinh hoạt.
Cần quyết sách đủ mạnh
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 50 về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ như ắc quy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp… Quyết định này nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với vòng đời tiêu dùng sản phẩm từ lúc bán ra đến khi thải bỏ. Quan trọng hơn, việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Riêng với cơ quan chức năng sẽ nỗ lực xây dựng một hệ thống quản lý phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên từ nhóm chất thải.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia môi trường, việc thu gom, xử lý loại chất thải điện, điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa được các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng liên quan quan tâm và thực hiện. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tác động nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống cũng như sức khỏe cộng đồng.
Để giải quyết vấn nạn rác thải điện tử một cách hiệu quả, tiến sĩ Trần Minh Trí cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn sản phẩm nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải điện tử. Khi nhận thức đúng đắn, cộng đồng sẽ có thái độ nghiêm túc hơn trong việc nhập và tiêu thụ sản phẩm này. Việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ là cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp môi trường, tiết kiệm được nguồn tài nguyên, khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, thủ công tại các làng nghề hiện nay đang gây tác động xấu đến môi trường.