Trồng rừng thay thế: Mỗi Bộ một kiểu số liệu!

ThienNhien.Net – Sau khi nghe các báo cáo của Chính phủ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn trực tiếp tại hội trường.

Trồng rừng thay thế: Số liệu nhảy múa

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh Lã Anh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn của các đại biểu (Ảnh: Lã Anh)

Các Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Văn Vở (Đồng Nai) cùng đặt ra cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng những câu hỏi về nhiệm vụ trồng rừng thay thế cho diện tích bị mất do thực hiện các dự án thủy điện. Đại biểu Trương Văn Vở thẳng thắn: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giải thích sự “nhảy múa” giữa số liệu về trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện, cụ thể là sự khác biệt rất lớn so với số liệu của Bộ Công Thương. Đến nay đã lỡ hẹn kế hoạch trồng bù năm 2015 nhưng vẫn chưa thấy cam kết cụ thể cho năm 2016”.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Bộ NNPTNT giải thích tình trạng "vênh" số liệu trồng rừng thay thế (Ảnh: Lã Anh) 
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Bộ NN&PTNT giải thích tình trạng “vênh” số liệu trồng rừng thay thế (Ảnh: Lã Anh)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, việc trồng rừng thay thế thực hiện chậm. Nguyên nhân khách quan là do một số dự án ở thời điểm lập dự án không có hạng mục này. “Giai đoạn trước chúng ta duyệt dự án mà không yêu cầu chặt chẽ, sát sao, sau này mới siết lại. Chúng tôi đang yêu cầu doanh nghiệp (doanh nghiệp) thực hiện đúng luật và hai năm nay, tình hình đã chuyển biến tích cực hơn nhiều”. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, đến hết năm 2015 sẽ đạt kế hoạch năm, mặc dù diện tích còn nợ trước đó chưa trả hết.

Giải thích về tình trạng “vênh” số liệu với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng có khác biệt là do thời điểm thống kê. “Chúng tôi đã gửi đến Đại biểuQH diện tích trồng thay thế cụ thể của từng tỉnh, từng dự án một và tới đây sẽ ngồi lại với Bộ Công Thương để thống nhất số liệu”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lý giải: “Tổng diện tích rừng trồng thay thế còn bao gồm cả các dự án thủy lợi, nhưng Bộ Công Thương chỉ tính dự án thủy điện”.

Hạn chế thuốc bảo vệ thực vật để lập lại trật tự

Hai lần đứng dậy chất vấn và chất vấn lại Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu vấn đề: “Tôi đã gửi câu hỏi và Bộ trưởng đã có văn bản trả lời, nhưng tôi thấy chưa thỏa đáng. Tôi có trong tay kiến nghị của 40 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đồng tình với quy định tại Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT quy định chỉ được đăng ký một hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc  bảo vệ thực vật, thì không có lý do để Bộ trưởng nói “đa số doanh nghiệp đã đồng ý”. Theo Đại biểu, một hoạt chất có thể tồn tại trong nhiều loại thuốc khác nhau và như vậy mới đảm bảo tính cạnh tranh.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh Lã Anh
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh Lã Anh

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Trước Thông tư 21, trên thị trường đã có hơn 4.000 loại thuốc với hơn 1.700 hoạt chất. Như thế là quá nhiều; dẫn đến tình trạng loạn tên thuốc, khiến bà con bối rối, khó lựa chọn, sử dụng; ngay cả cán bộ chuyên ngành cũng khó nhớ. Trước khi ban hành Thông tư 21, chúng tôi đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, biên bản các cuộc họp đều còn cả nên 40 doanh nghiệp cũng chưa phải là đa số”.

Chưa hài lòng, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết chất vấn lại: “Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi của tôi về việc có bao nhiêu nước trên thế giới có quy định tương tự Thông tư 21. Mặt khác, Bộ trưởng nói quy định theo hướng này đã thực hiện ổn định 25 năm nay, nhưng thực ra là mới “siết” lại. 40 doanh nghiệp chưa nhiều thì bao nhiêu là đáng xem xét? Tại sao khi bàn về phân bón thì Bộ trưởng nói rất khó quy định, vì phải dùng những loại khác nhau cho từng giai đoạn khác nhau, cây trồng khác nhau… mà nay thuốc bảo vệ thực vật thì lại khống chế”?

Tuy “khất” Đại biểu về con số cụ thể các nước có quy định tương tự, song ông Cao Đức Phát cho rằng, hơn 4.000 loại thuốc bảo vệ thực vật với 1.700 hoạt chất là đủ để đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, “thả” quá ra không giúp ích nhiều cho cạnh tranh doanh nghiệp, mà lại khiến người nông dân bị loạn thông tin, sử dụng sản phẩm không hiệu quả. “Xin Quốc hội cho được thực hiện theo tinh thần siết lại trật tự trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật”, ông nói.

Ngoài ra, tại phiên họp sáng 16-11, các Đại biểu còn nêu một số vấn đề khác như áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất; cải tiến chương trình giáo dục và SGK, phương pháp dạy và học môn lịch sử theo kế hoạch tích hợp các môn học của Bộ Giáo dục; tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn chưa được giải quyết, năng suất lao động không cao…