ThienNhien.Net – Sau gần 3 tháng mỏi mòn chờ cơ quan chức năng hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cho phép tái thả hơn 70 cá thể tê tê khỏe mạnh (là tang vật từ các vụ buôn bán bất hợp pháp) về rừng theo yêu cầu của Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê (Vườn Quốc gia Cúc Phương), đến nay đã có 30 cá thể bị chết vì vướng luật.
Trước đó, trong tháng 8/2015, Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê (chương trình hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã) đã cứu hộ hơn 60 cá thể tê tê tại Ninh Bình và Thanh Hóa. Sau một thời gian chăm sóc, cộng với số cá thể tê tê được bảo vệ tại Trung tâm từ trước thì có khoảng hơn 70 cá thể tê tê đạt tiêu chuẩn thả về tự nhiên.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng gửi văn bản kiến nghị, đến nay, Cơ quan Công an và Kiểm lâm hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình vẫn không đồng ý cho tái thả số tê tê trên về tự nhiên, với lý do vụ việc chưa được xử lý và chưa có quyết định xử lý tịch thu đối với tang vật vụ án (thực hiện theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003).
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào chiều 10/11, ông ông Trần Quang Phương, cán bộ Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê cho biết, mặc dù Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cho phép tái thả hơn 70 cá thể tê tê về rừng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi gì.
Điều đáng buồn là “trong quá trình chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép tái thả tê tê về rừng, đến nay đã có 30 cá thể bị chết. Trước đó, chúng tôi cũng đã kiến nghị tái thả tê tê về rừng, vì đặc thù loài này chỉ ăn mối và kiến. Chi phí thức ăn rất cao, mỗi cá thể tê tê ăn hết 1.410.000VND/tháng, trong khi điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm có hạn, không thể nuôi số lượng lớn động vật như vậy trong một thời gian dài,” ông Phương chia sẻ.
Vị cán bộ gần 20 năm gắn bó với công việc bảo tồn tại Vườn Quốc Gia Cúc Phương cũng cho biết, hiện tại hơn 40 cá thể tê tê (là tang vật từ các vụ buôn bán bất hợp pháp được cứu hộ về trung tâm) đang được chăm sóc trong điều kiện tốt, nhưng trung tâm vẫn nỗ lực kiến nghị cơ quan chức năng cho phép tái thả về tự nhiên, để đảm bảo được nhiệm vụ bảo tồn,” ông Phương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) cho biết, mặc dù Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ, đặc biệt là vướng mắc trong công tác xử lý tang vật là động vật hoang dã.
Cụ thể, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra, do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử.” Điều này đồng nghĩa với việc động vật hoang dã sau khi tịch thu là vật chứng của vụ án và chỉ có quyết định tịch thu và xử lý sau khi vụ án kết thúc.
Tuy nhiên, theo ông Thái, trên thực tế, nhiều vụ án có thể kéo dài trong nhiều tháng và hệ quả của việc lưu giữ động vật quá lâu có thể khiến chúng bị chết tại cơ quan bảo quản tang vật hoặc các cơ sở cứu hộ. Điều này rất dễ xảy ra bởi nhiều loài động vật hoang dã rất khó nuôi trong môi trường nhân tạo, chúng vốn ăn thức ăn tự nhiên, không quen với việc nuôi nhốt và một số loài sống đơn lẻ.
“Thậm chí, khi được đưa về các cơ sở cứu hộ thì bản thân các cơ sở này cũng không đủ điều kiện để chăm sóc trong thời gian vài tháng hoặc cả năm. Đơn cử như đối với 70 cá thể tê tê nêu trên, chỉ riêng tiền thức ăn hàng tháng đã lên đến gần 99 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nguồn ngân sách của Trung tâm phục vụ mục đích cứu hộ khá hạn hẹp, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí phi lợi nhuận từ những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,” ông Thái nói.
Chia sẻ từ góc độ cơ quan thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng cho rằng, việc chăm sóc tê tê phải trông vào nguồn tài chính nước ngoài đang là thách thức, khó khăn đối với các trung tâm bảo tồn sau tịch thu tang vật.
Theo bà Nga, hiện nay, nguồn lực tài chính của nhà nước cho việc bảo vệ động vật hoang dã còn hạn hẹp, mới chỉ để bố trí lương cho cán bộ và một số hoạt động về nghiên cứu khoa học, bảo tồn khác. Bà cũng khẳng định, Vườn quốc gia Cúc Phương là nơi tuyệt vời nhất, có khả năng chăm sóc, chữa trị cho động vật rất tốt. Vì vậy, dù ở hoàn cảnh nào thì vẫn phải có đủ nguồn lực và thức ăn cho tê tê.
Chính vì vậy, để duy trì nguồn thức ăn chăm sóc tê tê trong lúc đang vướng luật, theo bà Nga, Vườn quốc gia Cúc Phương trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phải có văn bản, đề nghị bằng chương trình, xây dựng đề án để được bố trí nguồn kinh phí. “Tuy nhiên, việc xin kinh phí này cũng rất bị động, bởi Vườn quốc gia Cúc Phương họ không biết năm nay tịch thu, bắt giữ bao nhiêu cá thể để nói kinh phí bao nhiêu là đủ. Đây cũng là câu chuyện rất khó,” bà Nga nói.
Trước đó, trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus vào chiều 19/10, đại diện Vụ Bảo tồn Thiên nhiên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thời gian qua, Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp bàn, tuy nhiên việc tái thả tê tê về rừng là vấn đề “xương xẩu,” rất khó giải quyết.
Đại diện Vụ Bảo tồn Thiên nhiên cũng cho biết, để giải quyết dứt điểm thì cần phải xây dựng một cái Thông tư hướng dẫn, hay văn bản quy phạm pháp luật để có thể “cân nhắc” đối với những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, để xây dựng được Thông tư, hay văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn này là rất khó, và phải mất đến 2 năm.
VietnamPlus sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về câu chuyện này, như một lời kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng liên quan có thẩm quyền lưu ý và sớm đưa ra cách giải quyết.