ThienNhien.Net – Chưa bao giờ mà các thành phố cao nguyên như Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đà Lạt (Lâm Đồng) lại hứng chịu những hậu quả nặng nề do mưa gây ngập nước và lũ quét như hiện nay.
Ông Phạm Hải (ngụ phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cẩn thận lấy chìa khóa mở cửa phía sau nhà thông ra suối Phan Đình Phùng (chảy qua các phường 2, 4, 5, 6, 7, 8) giờ đã nằm sát nền. Trước đây, phần đất giáp với con suối này rộng ra phía sau, ông thường tận dụng trồng ít rau để ăn. Nhưng mùa mưa năm nay, nước suối dâng lên đột ngột, xói lở gần sát nhà ông.
Ở trên cao cũng sợ nước nhấn chìm
“Ngày thường, mực nước ở suối chỉ khoảng 40 cm, chủ yếu là nước thải của các khu dân cư. Vậy mà vài năm gần đây, chỉ cần có mưa lớn khoảng 30 phút thì lập tức nước đổ về suối rất nhanh, tạo thành lũ quét cục bộ. Mưa kéo dài 1 giờ thì nước tràn qua 2 bên bờ suối chảy vào khu dân cư” – ông Hải cho biết.
Sau khi chị Nguyễn Thị Duyên Anh và anh Đỗ Mạnh Cường (ngụ phường 3, TP Đà Lạt) bị nước lũ cuốn trôi trong lúc dọn vườn giáp suối Phan Đình Phùng, ông Hải cùng hàng trăm gia đình khác bắt đầu nhận ra sự nguy hiểm của con suối này. Các gia đình phải dùng lưới thép rào chắn 2 bên bờ suối hoặc xây tường rào kiên cố ngăn nước chảy vào.
Hơn 1 tháng sau đó, người dân TP Đà Lạt lại bàng hoàng bởi cái chết thương tâm của cha xứ Trần Văn Định (Giáo xứ Chi Lăng, phường 9) khi dọn rác, khơi thông dòng chảy trên cầu Ngô Văn Sở bị nước cuốn trôi. Đến chiều 1-6, 3 mẹ con chị Đặng Thị Thanh Hằng (ngụ đường Hoàng Văn Thụ, phường 4) may mắn thoát khỏi dòng nước dữ. Một thanh niên sống gần đó đã liều mạng băng qua vùng nước đang chảy xiết, trèo lên mái nhà chị Hằng, phá bỏ tôn, giải cứu từng người ra khỏi lũ dữ. Mưa lớn cũng đã làm hàng trăm hecta hoa màu, nhà kính, nhà lưới và nhà dân bị ngập lụt, hư hỏng; thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỉ đồng.
“Không hiểu sao gần đây, thành phố này lại bị lũ uy hiếp như vậy. Người bị nước cuốn chết, tài sản trong nhà phải dâng cho thủy quái. Sống ở thành phố trên cao mà cứ nơm nớp sợ bị nước nhấn chìm” – chị Nguyễn Thảo My (ngụ đường Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt) lo ngại.
Tại Đắk Lắk, vài năm nay, hễ có mưa thì TP Buôn Ma Thuột cũng ngập chìm trong nước, đường phố thành suối. Mới đây, những cơn mưa đầu tháng 11 không lớn nhưng ở nhiều tuyến phố, nước chảy ầm ầm, cuốn trôi hàng trăm người, xe cộ.
Trong cơn mưa chiều 1-10, trên các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Y Nuê, Nguyễn Du…, nước chảy như thác. Trên đường Lê Duẩn (đoạn qua cầu Trắng) – tuyến đường có lưu lượng xe qua lại đông nhất TP Buôn Ma Thuột – nước chảy xiết sâu 30-60 cm, gây ách tắc giao thông. Hai người đã bỏ mạng vì nước lũ trên tuyến đường này trong năm qua.
Chị Trần Thị Nhung (ngụ phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) bức xúc: “Cứ mưa là nước cuồn cuộn chảy, đã nhiều lần tôi bị cuốn trôi. Gần đây, tôi thường chờ nước rút hoặc đi đường vòng mỗi khi trời đổ mưa để đi làm, về nhà. Đoạn đường này chỉ dài khoảng 1 km, lại dốc nhưng không hiểu sao nước không thể thoát xuống suối được”.
Trong khi đó, đường Nguyễn Tất Thành – con đường quan trọng nhất TP Buôn Ma Thuột, dài khoảng 3 km – dù có hệ thống thoát nước nhưng mỗi khi trời mưa là nước ào ào chảy. Người dân sống 2 bên đường không thể đếm xuể có bao nhiêu người, tài sản bị nước cuốn trôi.
Trục đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tất Thành dài tổng cộng gần 10 km, do địa hình xung quanh cao nên nước ở một vùng rộng lớn phía Bắc TP Buôn Ma Thuột đổ dồn đến đây rồi chảy về trung tâm thành phố. Càng về trung tâm thành phố, nước càng ngập sâu, có nơi đến 70 cm.
Hệ thống thoát nước kém
Ông Bùi Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, cho rằng nguyên nhân gây ngập ở TP Buôn Ma Thuột là do hệ thống thoát nước trên địa bàn thiếu đồng bộ. Nhiều dự án thoát nước bị “treo”, một số tuyến đường không có hệ thống thoát nước. Trên trục đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Tất Thành có tổng cộng 9 gói thầu thuộc 2 dự án thoát nước nhưng đến nay chỉ mới làm được 3 gói thầu.
Đoạn đường Lê Duẩn từ lâu cũng có một dự án nhưng sau bao nhiêu năm vẫn chưa có vốn. “Ngoài những con đường đang chờ dự án, hiện còn rất nhiều tuyến không có hệ thống thoát nước nên mưa là nước chảy tràn lan” – ông Quý giải thích.
Ông Nguyễn Hữu Tranh – người được mệnh danh là “nhà Đà Lạt học” – lại cho rằng chính hệ thống thoát nước thải kém đã đẩy thành phố ngàn thông này vào chỗ ô nhiễm và ngập lụt. Hiện mỗi ngày Đà Lạt có khoảng 5.000 m³ nước thải sinh hoạt cần được đưa về nhà máy xử lý . Trong khi đó, Xí nghiệp Quản lý nước thải (Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng) chỉ mới thu gom và xử lý được nước thải của một số khu vực ở các phường 1, 2 5, 6 8. Tại những khu vực còn lại, nước thải chảy tự do ra mương, suối, khi kết hợp với nước mưa dễ dàng biến thành lũ.
Kỳ tới: Ngập là đương nhiên