ThienNhien.Net – Đây là những khuyến nghị được Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2015, ngày 29/10, trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.
Tăng trưởng cao nhưng không nên chủ quan
Theo báo cáo của tổ chuyên gia, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát sau nhiều tháng giảm nay đã tăng nhẹ trở lại (dự kiến cuối năm tăng dưới 2%). Tín dụng tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, cả năm có thể đạt 19-20 tỷ USD, xuất hiện làn sóng đầu tư của Trung Quốc đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ có dấu hiệu chững lại sau nhiều tháng tăng liên tục.
Dẫn lại đánh giá lạc quan của các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB) về kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6,5% vào năm 2015 và khoảng 6,6-6,7% vào năm 2016, song tổ chuyên gia lưu ý: “Các tổ chức đều đánh giá cao sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam (tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước là hiện tượng ít thấy trong các nước được dự báo của WB, IMF, ADB), nhưng không nên chủ quan vì chất lượng tăng trưởng không cao, có nhiều rủi ro, trong khi đó các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại”.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn đã có phục hồi nhưng không đồng đều, chính trị bất ổn tại một số nước, báo cáo đề xuất: “Chính phủ cần bám sát diễn biến tình hình thế giới để kịp thời chỉ đạo, điều hành thận trọng, hợp lý trước tình hình có thể diễn biến phức tạp, khó lường”.
Từ những phân tích diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, tổ chuyên gia cho rằng khi đánh giá 2015 cần nhìn cả thời gian của kế hoạch 5 năm 2011-2015 để thấy tình hình kinh tế – xã hội hiện nay đã có chuyển biến rõ nét hơn với giai đoạn trước và kinh tế vĩ mô khá ổn định. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên thận trọng trong đánh giá tình hình và triển vọng phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Các chỉ tiêu kinh tế – xã hội nên chỉ phấn đấu ở mức khiêm tốn, vừa phải, phù hợp với diễn biến tình hình thế giới rất phức tạp và khó lường như hiện nay.
Trong đó rất cần chú trọng tới chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn, tạo điều kiện cho cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của các Hiệp định FTA mới hoàn tất đàm phán và sớm được thực hiện.
Sáu kiến nghị
Các kiến nghị trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.
Thứ nhất, về tín dụng, trong thời gian gần đây tín dụng đã tăng trở lại và tương đương với mức huy động vốn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc điều chỉnh tỷ giá và nới rộng biên độ giao dịch cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề này. Tổ chuyên gia xin lưu ý có thể đang có dòng chuyển dịch từ tiền VNĐ sang USD, cần được theo dõi thêm. Cũng như cần chuẩn bị các phương án trung hạn về điều chỉnh tỷ giá cho khớp với các tình huống chính sách lãi suất, tỷ giá của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thứ hai, về lãi suất, mặc dù, lạm phát đang ở mức thấp trong thời gian dài, nhưng lãi suất cho vay vẫn đứng ở mức rất cao (nhất là vay dài hạn). Việc tăng lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ cũng sẽ là áp lực lớn đến việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Theo tổ chuyên gia, lãi suất cho vay khó có thể giảm được, nhưng phải xử lý không để tiếp tục tăng trong giai đoạn tới.
Thứ ba, tình hình doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, cần được sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa trong thời gian tới. Nhu cầu yếu trong khu vực và trên thế giới đang có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới. Một điểm đáng quan tâm nữa giá cả đầu vào đã giảm mạnh hơn dẫn đến chi phí cho nhiên liệu của doanh nghiệp sẽ giảm trong những tháng tới, nhưng sản xuất vẫn còn khó khăn và cạnh tranh thêm gay gắt theo các thỏa thuận FTA “thế hệ mới” chưa được các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ và có phối hợp.
Thứ tư, về triển khai thực hiện NQ19/2015 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổ chuyên gia nhận thấy dù đã có sự quyết tâm rất lớn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng triển khai tại các Bộ, ngành và địa phương thiếu tích cực (chỉ có vài Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai, còn phần lớn chưa có chương trình triển khai thực hiện).
Tổ chuyên gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức sơ kết tình hình thực hiện NQ19/2015 vào cuối năm 2015, để đề ra những biện pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thông tin truyền thông sâu rộng để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về tích cực triển khai NQ19/2015, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ năm, phát triển du lịch được coi là những trọng tâm, đột phá trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, phát triển du lịch trong năm 2015 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, khách du lịch đến Việt Nam liên tục giảm, mới tăng nhẹ trở lại trong 3 tháng gần đây. Mặc dù, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan nhằm khôi phục ngành du lịch, nhưng chưa đạt như mong muốn.
Ngành logistics là ngành kinh tế tổng hợp, có giá trị gia tăng, nội địa hóa cao nhưng chưa được quan tâm theo đúng tầm của nó. Doanh nghiệp nước ngoài chiếm 5% về số doanh nghiệp, nhưng lại chiếm 95% thị phần logistics là vấn đề cần phải quan tâm đặc biệt.
Tổ chuyên gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ liên quan đến nhiều Bộ, ngành và địa phương trong ngắn hạn và trung hạn để vực dậy ngành du lịch Việt Nam với nhiều thế mạnh còn chưa được khai thác, cũng như nâng cao năng lực, thị phần, tính cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics trong nước.
Thứ sáu, ngân sách, nợ công là vấn đề mang tính dài hạn, có khả năng gây rủi ro lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô cần được nghiên cứu nghiêm túc và đưa ra giải pháp đồng bộ từ các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong dài hạn cân đối ngân sách cần được thực hiện đồng bộ trên 3 nhóm giải pháp là tiết kiệm; tinh giản bộ máy; cơ cấu lại đầu tư. Trên hết là cải cách thể chế phải đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến thực sự của cả hệ thống.