Quỹ khí hậu LHQ bắt đầu hành động chống lại biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc (GCF) thông báo đã phê chuẩn kinh phí cho 8 dự án đầu tiên nhằm giúp các quốc gia đang phát triển chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trong thông báo ngày 6/11, hội đồng quản trị GCF cho biết khoản kinh phí 168 triệu USD cho 8 dự án tại các quốc gia bao gồm Peru, Malawi, Senegal, Bangladesh, Fiji và Maldives.

Các dự án đầu tiên được GCF hỗ trợ này tập trung giúp các quốc gia này chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với những hiện tượng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu như siêu bão, hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng.

Phát biểu nhân sự kiện này, Giám đốc điều hành quỹ Hela Cheikhrouhou khẳng định việc GCF thông qua các dự án đầu tiên sẽ gửi đi một tín hiệu tích cựu cho Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 21 về chống biến đổi khí hậu (COP-21) tại Paris (Pháp) tới đây.

Cùng ngày, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo các cam kết cắt giảm khí thải của 146 quốc gia còn xa mới đủ để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Báo cáo của UNEP cho biết nếu các quốc gia thực hiện đúng cam kết, lượng khí thải cắt giảm theo kế hoạch “Đóng góp quốc gia tự nguyện” (INDCs) cũng chỉ ở mức 6 tỷ tấn, bằng 1/3 so với mức cần thiết 18 tỷ tấn để Trái Đất không tiếp tục nóng lên.

Tổng thư ký Ban Ki-Moon cho rằng các tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng và do đó, các nỗ lực chung toàn cầu cũng cần phải được nâng cao (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thư ký Ban Ki-Moon cho rằng các tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng và do đó, các nỗ lực chung toàn cầu cũng cần phải được nâng cao (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài ra, UNEP cũng cảnh báo sau năm 2030, lượng khí thải vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, theo tính toán của các nhà khoa học, lượng khí thải phải giảm xuống mức gần bằng 0 vào năm 2075 để nhiệt độ không tăng trên 2 độ C.

COP-21 sẽ diễn ra từ ngày 30/11-11/12 tới trong bối cảnh áp lực đối với cộng đồng quốc tế ngày càng lớn bởi vấn đề khó khăn nhất là lượng khí thải cắt giảm bắt buộc và nguồn tài chính hỗ trợ vẫn còn để ngỏ. Cam kết từ các nền kinh tế phát triển hỗ trợ 100 tỷ USD/năm đến năm 2020 giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu phần lớn vẫn là “lời hứa suông.”

Các nước nghèo cho rằng những nước giàu có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và mất mát do các hiện tượng thời tiết cực đoan do đã gây ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài. Dù tất cả đều thừa nhận tính cấp thiết và khốc liệt của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song trên bàn đàm phán quốc tế, vấn đề này không ít lần bị “chính trị hóa,” trở thành cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nhóm nước.

GCF được thành lập nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đầu tư vào năng lượng sạch, công nghệ xanh và chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những diễn biến môi trường ngày càng khắc nghiệt như nước biển dâng, bão lụt và hạn hán.

Quỹ sẽ ưu tiên giải ngân cho các quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đối khí hậu dưới các hình thức tài trợ, cho vay hoặc cấp vốn tư nhân cho các dự án xây dựng các trạm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, tái trồng rừng và xây dựng hệ thống phòng vệ ven biển. Quỹ này đang hướng tới mục tiêu quyên góp được 10 tỷ USD và cho đến nay đã có 14 quốc gia đóng góp vào quỹ này.

Nguồn: