ThienNhien.Net- Đang diễn ra hiện tượng lạ: Không chỉ các đô thị đồng bằng mà cả những thành phố vùng cao cũng bị ngập nặng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Sáng 8-11, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể em Mai Quốc Huy (nam sinh lớp 11; trú phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Như vậy, trong đợt mưa vừa qua, dù lượng mưa không lớn nhưng khu vực Nam Trung Bộ đã có 9 người thiệt mạng, trong đó 8 trường hợp ở tỉnh Khánh Hòa.
Chưa từng thấy
Một cơn mưa đi qua, nhiều con đường trung tâm của TP Nha Trang như Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải… đã hóa thành suối. Ở các phường Phước Long, Vĩnh Hải, Phước Hải, nhiều nơi ngập hơn 1 m, kéo dài cả tuần khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Trên đường Phong Châu, phường Phước Hải, người dân bị kẹp giữa 2 dự án xây đường, cầu vượt Phong Châu do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông thủy lợi tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư và dự án đô thị mới VCN Phước Hải do Công ty CP Đầu tư VCN đầu tư. Nước mưa không còn chỗ thoát nên tràn vào nhà dân.
“Phía trước đường đắp cao hơn nhà dân cả mét, phía sau công trình lại chặn mất cống thoát nước. Hỏi sao nhà dân không ngập. Nhà tôi kinh doanh sản phẩm gỗ, nước ngập làm hư hỏng hết rồi!” – anh Cao Đình Tân, một người dân, bức xúc.
Nặng nhất là ở khu vực tổ dân phố 2 Phước Trung, phường Phước Long. Khoảng 400 hộ dân bị ngập liên tục từ ngày 1 đến 6-11. Nhiều người phải dựng lều ở tạm trên khu cao vì nước dâng từ 1-1,2 m. Ông Nguyễn Văn Bảy, một người dân, cho biết hễ mưa xuống là toàn bộ khu này bị ngập. Các trận mưa diễn ra vào đêm khuya khiến đồ đạc như tủ lạnh, máy giặt… bị nước dâng lên làm hư hỏng. Người dân kiến nghị nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo bà Vũ Thị Mai Hương, Chủ tịch UBND phường Phước Long, đây là khu dân cư nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Phước Long. Dự án này đổ đất bao quanh khu dân cư, tạo thành một vùng trũng, trong khi cống thoát nước nhỏ nên không thoát kịp, gây ngập.
Nha Trang là TP du lịch nổi tiếng cả nước nhưng những ngày qua, nhiều du khách đã tỏ ra ngán ngẩm khi phải bì bõm lội nước. Theo UBND TP Nha Trang, ngập úng tập trung chủ yếu ở các khu vực dự án lớn đang xây dựng, đổ đất san nền nên hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh. UBND TP Nha Trang đã yêu cầu các chủ đầu tư phải khẩn trương tạo các mương tạm thời dọc khu đất, kết nối các hệ thống thoát nước, dẫn nước chảy ra sông Tắc và sông Quán Trường.
Thiên tai hay nhân tai?
Chưa bao giờ TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa bị ngập nặng như những ngày qua. Đặc biệt, phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh có khoảng 700 ngôi nhà bị ngập. “Khoảng 3 giờ ngày 2-11, tôi tỉnh giấc, bỏ chân xuống giường mới hay giường sắp ngập. Hoảng hồn, mở điện mới thấy đồ đạc trong nhà nổi lềnh bềnh. Chỉ kịp kê cao cái giường cho vợ và đứa con mới sinh nằm rồi thức trắng đêm” – anh Trần Tinh (phường Cam Nghĩa) kể lại. Ông Hoàng Thiện Nam – ngụ tổ dân phố Hòa Bình, phường Cam Nghĩa – cho biết gia đình ông sống ở đây từ năm 1989 đến nay chưa từng xảy ra tình trạng ngập sâu đến vậy.
Theo ông Phạm Minh Hòa, chủ tiệm vật liệu xây dựng ở phường Cam Nghĩa, tình trạng ngập nặng chỉ xảy ra khi Quốc lộ (QL) 1 nâng cấp và mở rộng. Trước đây, ở khu vực gần nhà ông có một cống thoát nước rộng 2,5 m để thoát nước mưa. Những khi xảy ra lũ lụt, nước không thoát hết qua cống thì chảy tràn qua QL 1 đổ ra đầm Thủy Triều. Khi nâng cấp, mở rộng QL 1, cống thoát nước này biến thành cái hố ga nhỏ còn QL 1 lại được nâng cao nên nước không thoát hết qua hố ga, cũng không thể tràn qua mặt đường.
Người dân từng kiến nghị mở cống lớn, lắp dải phân cách hở hoặc thấp phòng khi nước tràn qua mặt đường nhưng đơn vị thi công không lắng nghe. Giờ thì QL 1 như con đê chắn nước thoát, gây ngập nhà dân.
Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa, thừa nhận việc úng ngập ở địa phương như vừa qua là bất thường. “Để thoát nước, đơn vị thi công đã phải lật hết nắp hố ga vì hệ thống thu nước dọc QL 1 chưa đủ sức thoát hết” – ông Thạch nhìn nhận.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó Giám đốc điều hành dự án BOT 194 (đơn vị thi công QL 1 qua TP Cam Ranh), lại cho rằng: “Mưa lớn nhiều ngày liền, nước từ trên núi xuống thì ngập úng là phải. Hơn nữa, một số cống ngang dân ở hết, người dân không hợp tác, ở hết trên cống, không cho giải tỏa để làm thì đương nhiên ngập”.
Đề cập đến hệ thống thoát nước của QL 1 không bảo đảm, ông Ngợi khẳng định đã làm đúng thiết kế do các cơ quan chuyên ngành thẩm định. Thiên tai thì phải chịu, đơn vị chỉ đợi chính quyền di dời nhà dân để giải tỏa hạ lưu, khơi thông dòng chảy.
Theo ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, sở đã lập đoàn kiểm tra việc ngập úng dọc QL 1.
“Nhiều nơi nước đổ về chỗ thấp, thoát không kịp nên gây ngập cục bộ. Việc nâng cao mặt đường 35 cm, làm lươn chắn, nước không thoát được như ý kiến người dân cũng có lý” – ông Định thừa nhận.
Kỳ tới: Bì bõm ở thành phố cao nguyên