ThienNhien.Net – Chỉ trong khoảng 10 năm, với chủ trương tận dụng tiềm năng sẵn có, Hà Giang đã cho ra đời tới 72 thủy điện lớn nhỏ. Với tầm nhìn của các lãnh đạo tỉnh, thủy điện đang được coi là một trong những “đột phá” về kinh tế, nhưng với người dân và một số cấp ngành khác thì họ lại đang… ngao ngán.
Hà Giang có các hệ thống sông chính bao gồm: Sông Lô, Gâm, Miện, Nho Quế và sông Chảy. Tổng chiều dài dẫn lưu của các sông lớn này trên 200 km, nhưng từ khi “cơn sốt thủy điện bùng phát” đến nay đã có 72 thủy điện được hình thành từ việc be bờ, phân đập theo cao trình. Thủy điện trước “hứng” nước của thủy điện sau đã tạo ra những đột biến lớn về thủy văn thậm chí dẫn đến khiếu kiện giữa những nhà đầu tư với nhau.
Phát triển thủy điện theo như chủ trương đã dẫn đến việc đầu tư tràn lan và yếu kém về quản lý môi trường, đem đến cho thiên nhiên Hà Giang những ảnh hưởng. Thậm chí việc cấp phép, không tính đến những quy hoạch dài hạn đã tạo ra những hệ lụy cần giải quyết sau này. Như Thủy điện Nho Quế 1 được cấp phép vào năm 2008, với tổng mức đầu tư lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Hai năm sau, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Di sản thế giới thì các lãnh đạo Hà Giang lúc đó mới “giật mình” vì đã đặt bút kí, chấp thuận đầu tư vào nơi “nhạy cảm” nhất.
Hiện nay vấn đề này đang đưa tỉnh vào một tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không muốn “bội ước”, tỉnh phải đối mặt với việc sẽ bị nước thủy điện vĩnh viễn nhấn chìm danh thắng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Danh thắng Quốc gia là Mã Pí Lèng. Và nếu không muốn danh thắng trên… biến mất thì tỉnh phải chấp thuận gạt bỏ Thủy điện Nho Quế 1.
Theo ước tính, để có nước cho các thủy điện hoạt động, đã có nhiều diện tích rừng bị nước nhấn chìm để biến thành hồ chứa cho thủy điện. Xin nhắc lại, với Hà Giang, ai cũng biết đấy là miền Cao nguyên đá nên rừng là báu vật. Sự đánh đổi giữa rừng và nguồn lợi thu được từ thủy điện hiện có tương xứng và có sức sống dài hay không, đang là một câu hỏi rất lớn.
Thủy điện chưa biết cho tỉnh những nguồn thu gì nhưng đã lấy của dân nhiều thứ đang là những nhận xét của rất nhiều người dân nằm trong dự án các thủy điện. Cách đây 2 năm, nhiều hộ dân ở các xã Ngán Chiên, huyện Xín Mần bỗng nhiên náo loạn về hậu họa của điện.
Tìm hiểu được biết, cách đó nhiều năm, một công ty lạ hoắc, mãi tít dưới Hà Nội, có tên là Công ty cổ phần đầu tư, xây dựng và phát triển năng lượng Sông Đà 5 đã lên đây thực hiện Dự án Thủy điện sông Chảy 5. Khi được cấp phép, dự án này cũng được người dân ủng hộ lắm.
Nhưng niềm vui của họ chưa thành hiện thực thì hậu họa đã tới khi Dự án này chính thức tích nước. Băng rôn, khẩu hiệu được căng lên, lãnh đạo nhiều ban ngành có mặt để khai trương, bắt tay và liên hoan thì ngay sau đó người dân đã phải đối mặt với những khó khăn của mình, mà nguyên nhân xuất phát từ cái nhà máy có tên Thủy điện sông Chảy 5 kia.
Đất vùng cao, ngấm nước, không chịu được, nhão ra thành bùn và dẫn tới sụt lở. Những sụt lở mang tính kế tiếp nhau này đã đem đến sự biến mất của nhiều diện tích ruộng nương, vườn rừng của nhiều nơi trong khu vực xã Ngán Chiên. Tập trung lớn nhất của sự mất ruộng và sạt lở này phải kể đến 2 thôn là Na Mở, Ta Hạ. Chỉ trong một thời gian tích nước ngắn ngủi, đã có 3,5 ha ruộng của các hộ dân nơi nghèo khó này vĩnh viễn bị chôn trong lòng đất, không thể khắc phục nổi. Nhiều đoạn tỉnh lộ bị sạt lở, gây mất an toàn giao thông…
Trước tình cảnh này, nhiều người dân bức xúc: Chưa biết cái thủy điện mang lại được cái gì nhưng hiện tại nó đang “ăn” của dân nhiều thứ quá!