ThienNhien.Net – Chiều 5/11 (theo giờ Hà Nội), văn bản bằng tiếng Anh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đồng loạt 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam công bố.
Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. Tuy nhiên, trước nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp, các nước tham gia đàm phán TPP đã quyết định công bố toàn văn hiệp định này mặc dù thủ tục rà soát pháp lý vẫn chưa hoàn tất. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết.
Việc công bố toàn văn hiệp định TPP diễn ra đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc. Văn bản gồm đầy đủ thông tin chi tiết về các cam kết và các điều khoản áp dụng với tất cả các nước thành viên.
TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi tất cả các thành viên thông báo đã hoàn tất trình tự thông qua về mặt pháp lý trong nước. Trong điều kiện một số điều khoản hoặc toàn bộ hiệp định không được một hoặc một số nước thành viên thông qua, TPP vẫn có hiệu lực nếu có ít nhất 6 trên 12 thành viên, chiếm tối thiểu 85% Tổng sản lượng GDP toàn khối chấp nhận.
Sau khi công bố toàn văn hiệp định, mỗi nước sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
TPP chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 5/10 và được xem là hiệp định thương mại thế kỷ, mang tính lịch sử, lớn nhất trong vòng 20 năm qua. TPP có sự tham gia của 12 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo, khuyên khích sự minh bạch, hiệu quả điều hành cũng như cải thiện việc bảo vệ người lao động, môi trường. Hiệp định cũng được xem là bước quan trong việc tiến gần tới mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.