Tội phạm động vật hoang dã: Phạt tù ít vì vướng luật

ThienNhien.Net – Chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong cơ cấu xét xử các vụ án về tội phạm môi trường1, song chỉ có một số lượng nhỏ vụ án liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm bị kết án phạt tù.

Nguyên nhân của vấn đề nằm ở việc luật quy định thiếu cụ thể và chưa bao quát đối tượng vi phạm.

Tại buổi “Đối thoại đa phương về hợp tác phòng chống tội phạm động vật hoang dã xuyên biên giới” do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 3/11/2015, các đại diện đến từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan, CITES Việt Nam đã mổ xẻ khá sâu vấn đề này.

Ảnh minh họa: Nguyễn Thúy Hằng/PanNature
Ảnh minh họa: Nguyễn Thúy Hằng/PanNature

Theo các chuyên gia, Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2009 quy định chỉ những hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP) mới bị xử lý hình sự. Do đó, các hành vi vi phạm liên quan đến các loài động thực vật hoang dã nguy ấp thuộc Phụ lục I CITES (bao gồm sừng tê giác, ngà voi – hai mặt hàng “chủ lực” của đối tượng buôn bán động vật hoang dã) hay các loài thuộc nhóm IB – Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP khó có thể bị truy tố và xử lý triệt để.

Từ năm 2010 đến đầu năm 2015, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện, khởi tố, điều tra 36 vụ án hình sự với 26 bị can, trong đó Hải Phòng 12 vụ, Quảng Ninh 6 vụ, TP. HCM 3 vụ… Các vụ án chủ yếu bị phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan ở cảng biển, được ngụy trang bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, khi Cơ quan điều tra liên hệ với các công ty nhận hàng tại Việt Nam có tên trong vận đơn thì các đơn vị này đều từ chối với lý do đối tác gửi nhầm hàng. Trong khi đó, yêu cầu tương trợ tư pháp nhằm xác minh người gửi và các tài liệu liên quan đều không được nước bạn trả lời nên việc xử lý các vi phạm rất khó khăn, mất thời gian. Điều đáng nói là quá trình xử lý vi phạm khó truy được kẻ cầm đầu bởi chủ hàng thực sự thường ở nước ngoài, trong khi hợp tác tương trợ tư pháp trong phòng chống tội phạm động vật hoang dã giữa Việt Nam và các quốc gia còn nhiều hạn chế  – TS. Nguyễn Duy Giảng (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho hay.

Trên thực tế, các hành vi vi phạm thuộc hai nhóm này có thể bị khởi tố, điều tra và xét xử theo Điều 153, 154, 155 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biện giới hoặc tội vận chuyển, buôn bán hàng cấm (với tình tiết định tội tang vật tịch thu là hàng cấm). Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là hàng cấm có số lượng lớn, số lượng rất lớn, số lượng đặc biệt lớn quy định tại các Điều 153, 154, 155 nên đa phần chỉ bị xử lý hành chính hoặc nếu xử lý hình sự thì cũng chỉ ở mức nhẹ nhất.

Không chỉ “bí” trong công tác xét xử, việc xử lý tang vật là các loài động thực vật hoang dã hoặc dẫn xuất, sản phẩm của chúng cũng còn vướng mắc. Hiện có 3 biện pháp hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau tịch thu, gồm: (i) trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu; (ii) chuyển giao cho cơ quan nghiên cứu, khoa học làm tiêu bản; (iii) tiêu hủy trong trường hợp mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam, do hàng hóa vi phạm đa phần không khai báo chính xác nguồn gốc nên không có căn cứ đảm bảo tin cậy để trả lại tang vật cho nước xuất khẩu theo quy định tại Điều VIII của Công ước CITES. Với phương án thứ ba, ngoài việc cần khoản kinh phí khá lớn để tiêu hủy thì quy trình xử lý cũng mất nhiều thời gian, cần sự tham gia nhiều bên và hiện cũng chưa có hướng dẫn đầy đủ.

Đồng cảm với những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong cuộc chiến phòng chống tội phạm động vật hoang dã, tại buổi đối thoại, các đại diện đến từ Mozambique, Kenya, Tanzania cũng chia sẻ thực trạng, giải pháp về vấn đề này. Cả ba quốc gia hiện đang là nguồn cung cấp và/hoặc trung chuyển một số sản phẩm động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác và ngà voi và đều gặp khó khăn trong việc ngăn chặn loại hình tội phạm này do hạn chế về năng lực thực thi pháp luật, nguồn lực tài chính, kỹ thuật phát hiện, vấn nạn tham nhũng…

Tại Mozambique, nhằm đối phó với nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, Luật môi trường mới của nước này đã quy định tất cả các hành vi buôn bán động vật hoang dã đều bị xử lý hình sự so với trước đây chỉ bị xử lý hành chính. Ngoài ra, Mozambique cũng thành lập đơn vị cảnh sát môi trường, trong đó có riêng một bộ phận phụ trách về vấn đề động vật hoang dã. Tại Kenya, đầu năm 2014, nước này cũng đã thông qua Luật bảo tồn và quản lý động vật hoang dã với nhiều khung hình phạt tăng nặng hơn. Đặc biệt, Kenya thành lập Đơn vị tố tụng về động vật hoang dã trong Văn phòng giám đốc công tố nhằm xét xử các vấn đề liên quan đến tội phạm động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Kenya cũng phát triển cẩm nang hướng dẫn về việc áp dụng các luật khác nhau trong truy tố tội phạm động vật hoang dã.

Trước thực trạng đáng lo ngại về loại hình tội phạm động vật hoang dã, các đại biểu tham dự đều đồng thuận cho rằng cần thúc đẩy tiến tới ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như cung cấp các cơ sở pháp lý phục vụ điều tra chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.

Theo bà Hà Thị Tuyết Nga – Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, hiện CITES đang nghiên cứu ký kết Biên bản ghi nhớ về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã với Mozambique và rộng hơn là vấn đề hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học giữa hai quốc gia. Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác tương tự với Indonesia, Trung Quốc và sau Mozambique, Việt Nam mong muốn thúc đẩy ký kết với Kenya, Tanzania cùng Cộng hòa Nam Phi.

Tin vui được TS. Nguyễn Duy Giảng (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) chia sẻ là hiện nay Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự theo hướng quy định việc bảo vệ các loài voi, tê giác và động vật khác có nguồn gốc từ nước ngoài như với các loài động vật nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam. Cụ thể: theo Dự thảo Bộ Luật Hình sự mới, vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước CITES có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm  đến 05 năm (mức 1); bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (mức 2); phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (mức 3). Trong đó, buôn bán, vận chuyển qua biên giới được xác định là một tình tiết định khung tăng nặng.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Dự thảo Bộ Luật Hình sự quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân về tội này. Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, pháp nhân còn có thể bị phạt tiền và/hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định…

Hy vọng, cùng với những điểm sửa đổi tiến bộ của Dự thảo Bộ Luật Hình sự và nỗ lực thúc đẩy hợp tác tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các quốc gia được coi là “điểm nóng” về săn bắn, buôn bán động vật hoang dã, vấn nạn buôn bán trái  phép các loài động thực vật hoang dã và tội phạm động vật hoang dã sẽ dần bị đẩy lùi.

——————

1. Nguyễn Trí Chinh, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội phạm về môi trường theo Luật Hình sự Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010