ThienNhien.Net – Tại Đắk Lắk, tình trạng xói mòn đất đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm cho độ phì nhiêu của đất có xu hướng giảm theo thời gian.
Các nhà khoa học khuyến cáo tỉnh Đắk Lắk cần sớm có chiến lược sử dụng đất hợp lý nhằm góp phần hạn chế xói mòn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên đất hiện có.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trình Công Tư, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên, Đắk Lắk có hơn 90% diện tích đất trồng trọt nằm trên thế dốc lại chịu tác động của khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều, tập trung theo mùa (từ tháng 4-10); diện tích rừng che phủ bị giảm nghiêm trọng thay vào đó là các hệ thống cây trồng với độ che phủ thấp. Do vậy, quá trình xói mòn do mưa đã xảy ra khá mạnh dẫn dến lớp đất trên đỉnh và sườn đồi ở Đắk Lắk bị cuốn trôi và vùi lấp các khe suối, lòng hồ, làm nghèo kiệt độ phì nhiêu đất canh tác cũng như ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Qua các kết quả thí nghiệm đồng ruộng ở Đắk Lắk, với những phương thức canh tác khác nhau trên đất dốc 8 độ cho thấy lượng đất bị xói mòn ở công thức đất bỏ trống là 51,8 tấn/ha/năm, ở các công thức có trồng cây hàng năm và lâu năm là 7,7-33,6 tấn/ha. Việc canh tác cà phê giai đoạn kinh doanh có mức độ xói mòn thấp hơn so với trồng cây ngắn ngày hoặc cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Cũng theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trình Công Tư, biện pháp tạo bồn đã có hiệu quả đối với việc chống xói mòn bảo vệ đất như trồng cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản, giảm được 21,4 tấn đất trôi/ha/năm; trồng xen cây họ đậu trên vườn cà phê có tác dụng giảm 10,9 tấn đất trôi/ha/năm so với trồng thuần. Ngoài ra, tạo bồn kết hợp với trồng xen cây họ đậu là sự kết hợp cho hiệu quả cao, tạo hiệu ứng tốt đối với việc chống xói mòn bảo vệ đất trong quá trình canh tác cà phê, giảm được 25 tấn đất trôi/ha/năm.
Đối với giai đoạn kiến thiết cơ bản của cây cao su do có mật độ che phủ đất thấp nên tình trạng xói mòn, độ phì nhiêu của đất giảm khá mạnh. Cụ thể, lượng đất xói mòn hàng năm trên đất dốc 10 độ trồng cao su không có biện pháp bảo vệ ở năm thứ hai xói mòn là 57 tấn đất/ha, năm thứ ba là 23,4 tấn/ha.
Nếu trồng xen cây lương thực, đậu đỗ và các loại thảm phủ cây phân xanh trong cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản sẽ giảm được lượng đất xói mòn xuống chỉ còn 51,7-90,2%, giúp bảo vệ, cải tạo độ phì nhiêu đất và tăng khả năng sinh trưởng phát triển cây cao su.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trình Công Tư cũng khuyến cáo và hướng dẫn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng cần thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất hữu cơ trong đất, nhất là tận dụng mọi nguồn hữu cơ sẵn có trên các lô cà phê, cao su như: cành lá cây che bóng, chắn gió được rong tỉa, rụng hàng năm, cỏ cây hoang dại đốt sau đó vùi trả lại trong đất. Đặc biệt, cần tận dụng tốt vỏ trấu cà phê sau khi xử lý (làm phân bón hữu cơ vi sinh) bón lại cho đất góp phần cải tạo các chỉ tiêu độ phì nhiêu của đất.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trình Công Tư cũng khuyến cáo các địa phương vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng cần bố trí lại cơ cấu cây trồng hợp lý, bón phân cân đối, tăng cường trồng rừng nhằm góp phần hạn chế tình trạng xói mòn, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất trên địa bàn.