ThienNhien.Net – Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) ngày 4/11 cảnh báo tình trạng phá rừng nghiêm trọng tại Brazil đang đẩy quốc gia Nam Mỹ này đối mặt với những nguy cơ về môi trường lẫn kinh tế.
Trong “Báo cáo về thực trạng môi trường tại Brazil,” OECD nhấn mạnh cứ 4 năm, diện tích rừng nhiệt đới bị phá hủy tại quốc gia Nam Mỹ này tương đương diện tích của đất nước Israel.
Mặc dù đánh giá cao “những bước tiến mạnh mẽ (của Brazil) trong việc giảm diện tích rừng bị phá cũng như lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong 15 năm qua,” song báo cáo của OECD cảnh báo đây vẫn là quốc gia có tốc độ phá rừng cao nhất thế giới.
Riêng năm 2014, Brazil ghi nhận 480.000ha rừng bị phá hủy.
Tổ chức này khuyến cáo Brazil cần vượt qua những khó khăn kinh tế hiện tại để tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực bảo vệ môi trường trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ đang phải vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Trong bản báo cáo, Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đánh giá cao bước tiến lớn mà Brazil đã đạt được trong nỗ lực thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, song nhấn mạnh quốc gia này vẫn cần tăng cường triển khai những chính sách cứng rắn hơn nữa.
Theo ông Gurria, việc thúc đẩy một “nền kinh tế xanh” có thể mang lại những cơ hội kinh tế và xã hội “khổng lồ,” qua đó giúp thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 7%.
Đấu tranh chống nạn phá rừng nói riêng và bảo vệ thiên nhiên nói chung là một trong những ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống Dilma Rousseff trong suốt hơn một nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua. Bà Rousseff đang đề ra mục tiêu là chấp dứt hoàn toàn nạn chặt phá rừng trái phép tại Amazon – khu rừng được mệnh danh là lá phổi của hành tinh.”
Trước đó cùng ngày, OECD cũng công bố một báo cáo khác, trong đó nhận định nền kinh tế Brazil đang ở trong “thời khắc quyết định.”
OECD dự báo kinh tế nước này trong năm tới sẽ suy giảm 3,1%, xấu hơn mức dự báo lần lượt 2,8% và 3% do Chính phủ Brazil và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trước đó.
Triển vọng kinh tế của Brazil hiện khá ảm đạm sau khi các biện pháp tài chính nhằm thúc đẩy kinh tế trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Dilma Rousseff đã không hiệu quả và làm ảnh hưởng tới ngân quỹ quốc gia.
Trong tháng Tám, Brazil đã chính thức rơi vào suy thoái và tình trạng này dự báo sẽ kéo dài sang năm 2016, trở thành đợt suy thoái dài nhất kể từ năm 1931 tại nước này. Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đã “đánh tụt” xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức rủi ro.