ThienNhien.Net – Theo các nhà thiên văn học, một mảnh rác vũ trụ có tên WT1190F nặng hơn 2.000 tấn đang tiến thẳng về phía Trái Đất và sẽ lọt vào bầu khí quyển của chúng ta vào lúc 2 giờ 20 phút chiều 13/11 (giờ E.T.)
WT1190F sẽ băng qua Ấn Độ Dương, cách bờ biển Sri Lanka 62 dặm (gần 100km).
Khi tiến vào khí quyển Trái Đất, WT1190F sẽ bay qua bầu trời, thu thập một lượng nhiệt khổng lồ do masát với các phân tử khí trong khí quyển.
Lượng nhiệt này đạt đỉnh sẽ khiến WT1190F bùng cháy, và những gì chúng ta được chứng kiến sẽ trông giống như một màn biểu diễn pháo hoa hoành tráng.
Hiện tượng này đã từng xảy ra hồi năm 2008, khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu quyết định phá hủy Jules Verne, một trong số các Thiết bị vận chuyển tự động nặng hơn 2.000 tấn của cơ quan này bằng cách đưa nó quay lại bầu khí quyển Trái Đất.
Nhà thiên văn học Nicholas Moskovitz thuộc Trạm quan sát Lowell cho rằng người dân sống dọc bờ biển Sri Lanka có thể quan sát được những giây phút cuối cùng của WT1190F nếu họ nhìn về đúng hướng và đúng lúc.
“Thật không may là toàn bộ quá trình này lại diễn ra vào ban ngày, khi Mặt Trời lên cao. Nhưng WT1190F sẽ bốc cháy và sáng rực không kém gì Trăng rằm, nên nếu bạn nhìn về đúng hướng, bạn vẫn có thể nhìn thấy nó.”
Có tới hơn nửa triệu mảnh rác vũ trụ là những mảnh vỡ của tàu hay vệ tinh do con người chế tạo đang bay quanh quỹ đạo Trái Đất với vận tốc 17.500 dặm/giờ. Do đó, những sự kiện như phá hủy Jules Verne đều được lên kế hoạch kỹ càng để làm giảm nguy cơ các vệ tinh, hay thậm chí là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), bị tổn hại do va chạm với các mảnh rác này.
Tuy nhiên, khác với Jules Verne, chuyến trở về của WT1190F không hề được lên kế hoạch trước. Các nhà khoa học coi đây là một điều may mắn, bởi sự kiện này sẽ cung cấp những thông tin vô giá về những gì sẽ xảy ra khi các vật thể không dự kiến như sao băng tiến vào khí quyển Trái Đất.
WT1190F được cho là sẽ cháy rụi hoàn toàn trước khi rơi, do đó sẽ không gây nguy hiểm gì cho tàu thuyền trên biển hay các sinh vật sống dưới đại dương.