ThienNhien.Net – Tháng 10 năm 2008, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) công bố Báo cáo Environmental Crimes – a threat to our future (Tội phạm môi trường – mối đe dọa cho tương lai), nêu bật quy mô và các tác động của tội phạm môi trường, từ đó kêu gọi giải pháp chính trị mạnh mẽ, khẩn cấp nhằm đối mặt với vấn đề này. Tuy đã ra đời cách đây vài năm, song trước thực trạng tội phạm không hề bớt “nóng” như hiện nay, báo cáo vẫn còn nguyên giá trị.
Kể từ khi thành lập vào năm 1984, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) đã vạch trần hàng loạt tội phạm môi trường trên khắp thế giới, đồng thời nỗ lực kêu gọi các hỗ trợ chính trị nhằm thúc đẩy thực thi các hoạt động chống lại những tội ác trên. Khác với các loại tội phạm khác, quy mô ảnh hưởng của tội phạm môi trường là lên toàn xã hội. Chẳng hạn, khai thác gỗ lậu dẫn đến suy thoái rừng, làm mất đi sinh kế của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, gây lũ lụt và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, đe dọa môi trường sống của các loài cực kì nguy cấp, làm tổn hại đến nền kinh tế nói chung. Nói cách khác, tội phạm môi trường cũng nghiêm trọng không kém bất cứ tội ác nào đang đe dọa toàn xã hội. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là cộng đồng luật pháp quốc tế vẫn chưa đặt vấn đề này lên mức ưu tiên. Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu, bao gồm những thách thức được tiếp cận trong Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ, đều có liên quan và trở nên trầm trọng hơn do tội phạm môi trường. Loại hình tội phạm này “ảnh hưởng đến phát triển, hòa bình, an ninh và quyền con người”.
Tội phạm môi trường – siêu lợi nhuận và dung túng tham nhũng
Tội phạm môi trường hiện đang là một trong những hình thức tội phạm siêu lợi nhuận, vô cùng hấp dẫn đối với các nhóm tội phạm có tổ chức. Theo ước tính của Interpol, tội phạm môi trường trên toàn cầu có nguồn thu hàng tỷ USD mỗi năm, còn theo ước tính của Ngân hàng thế giới riêng khai thác gỗ trái phép làm thất thoát 15 triệu USD doanh thu và thuế tại các nước đang phát triển. Trong những năm 1990, thị trường đen buôn bán khoảng 38.000 tấn CFCs với trị giá 500 triệu USD, tương đương 20% thương mại CFCs toàn cầu.
Với nguồn lực mạnh, mạng lưới bủa vây rộng khắp để tránh bị phát hiện, các nhóm tội phạm có tổ chức chỉ cần “thông đồng” với các quan chức tham nhũng là có thể dễ dàng có chứng nhận đối với nguồn hàng để đóng gói và vận chuyển. Tội phạm môi trường cũng được các quan chức đương nhiệm xem như một mảnh đất để tham nhũng. Phê duyệt hoặc làm giả chứng chỉ xuất nhập khẩu; tiếp tay vận chuyển hàng lậu hoặc “nhắm mắt cho qua” là các hoạt động núp dưới sự tham nhũng của giới cầm quyền. Nghiêm trọng hơn, những kẻ đồng lõa có mặt trong mọi bộ phận công quyền, từ cảnh sát, quân đội, chính quyền cho đến các tổ chức liên chính phủ, lợi dụng nạn quan liêu, hệ thống luật pháp lỏng lẻo và thực thi kém hiệu quả.
Các giải pháp khuyến nghị
Báo cáo Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2007 đã đề cập đến các trở ngại trong việc đạt tới các Mục tiêu. Tuy nhiên, ngoài việc nhắc tới các hoạt động sản xuất bất hợp pháp, buôn lậu các chất phá hủy tầng ozone, báo cáo không hề xác định tội phạm có tổ chức hay nạn tham nhũng là những trở ngại trực tiếp.
Để đạt được Mục tiêu 7 (Đảm bảo Môi trường Bền vững) và “đảo ngược những thất thoát tài nguyên môi trường”, Liên Hợp Quốc cần nhận diện và đối mặt với các tác động của tội phạm có tổ chức bằng cách hỗ trợ hệ thống luật pháp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, nếu muốn xóa bỏ hoàn toàn đói nghèo (Mục tiêu 1) thì tác động dài hạn của nạn phá rừng, săn bắn không bền vững và biến đổi khí hậu lên cộng đồng và sinh kế, chưa kể tới nguy cơ gia tăng mật độ thiên tai, cần phải được cân nhắc.
Ngoài ra, cần thừa nhận thực tế là luật pháp về tội phạm môi trường hiện nay chưa phù hợp, thiếu các cơ quan chuyên trách có đủ nguồn lực, được đào tạo và có kĩ năng điều tra nghiên cứu tội phạm có tổ chức và hành vi phạm tội khiến cách tiếp cận không hiệu quả. Trong khi đó, tội phạm môi trường luôn đi liền với nạn tham nhũng, khiến các nỗ lực đấu tranh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trước tình trạng các loại tội phạm khác như buôn lậu ma túy, vũ khí, nạn buôn người và khủng bố được ưu tiên hướng đến hơn cả, đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải bật đèn đỏ đối với tội phạm môi trường và hành động lập tức trước khi quá muộn. Theo đó, các bên liên quan, các bộ ngành, tổ chức nghiên cứu và các cơ quan hành pháp có vai trò chủ chốt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường cần nhận thức và thực hiện khẩn cấp một số hành động sau:
- Xác định rằng, không giống các dạng tội phạm khác, tội phạm môi trường là vấn đề cấp bách cần có những hành động ứng phó một cách thực chất, tận tâm, bền bỉ và có tính kết nối trên toàn cầu.
- Thừa nhận rằng tội phạm môi trường là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng ở mọi cấp độ, và nếu các quan chức tham nhũng không bị xử lý, mọi nỗ lực chống lại tội phạm môi trường đều bị cản trở. Thực tế này phải được nhìn nhận trong các nghị quyết về tội phạm môi trường cũng như trong Công ước về chống tham nhũng.
- Cải cách hành chính nhằm đấu tranh với nạn tham nhũng, đặc biệt thông qua công nghệ nhằm giảm yếu tố con người tham gia vào các hoạt động như buôn bán tài nguyên thiên nhiên.
- Cam kết hỗ trợ cho các quốc gia có tình trạng phạm tội phổ biến và tài nguyên có hạn nhất. Các tổ chức liên chính phủ như Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Interpol và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) cần phát triển các dự án tăng cường năng lực cho các tổ chức hành pháp cấp quốc gia và khu vực, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị điều tra về tội phạm môi trường.
- Thúc đẩy hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế như Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), bên cạnh việc “liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các thể chế thuộc Công ước, cơ quan hành pháp quốc gia và cơ quan liên chính phủ…” – điều đã được Hội nghị các bên tham gia Công ước CITES lần thứ15 thừa nhận là vô cùng cần thiết.
- Thúc đẩy áp dụng luật hình sự hiện hành của các quốc gia về tội phạm môi trường, bổ sung quy định về tịch thu tài sản liên quan đến các hành vi phạm tội xâm hại môi trường trong pháp luật về môi trường.
- Thiết lập mới hoặc tham gia vào các cơ quan hành pháp hiện có về tội phạm môi trường cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, các văn phòng liên lạc xuyên biên giới để chia sẻ kĩ năng, kiến thức, thông tin nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra và chiến dịch truy quét các mạng lưới tội phạm.
- Hỗ trợ sự tham gia của các cán bộ có liên quan trong Nhóm Chuyên gia Thực thi Công ước CITES nhằm thể hiện sự đầu tư đúng đắn và cam kết chính trị chống lại tội phạm xâm hại động thực vật hoang dã.
Tội phạm môi trường quốc tế
Tội phạm môi trường quốc tế có thể được xác định là 5 loại hình tội phạm phổ biến đã được công nhận bởi các cơ quan như G8, Interpol, EU, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Viện Công lý và Tội ác liên vùng Liên hợp quốc, bao gồm:
- Buôn bán động thực vật hoang dã, đi ngược lại Công ước Quốc tế năm 1973 về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES);
- Buôn bán bất hợp pháp các chất phá hủy tầng ozone (ODS), đi ngược lại Nghị định thư Montreal 1987 về các chất làm suy giảm tầng ôzôn;
- Vận chuyển hoặc thải bỏ bất hợp pháp các loại chất thải nguy hại, đi ngược lại Công ước Basel 1989 về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng;
- Khai thác cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo, chống lại các biện pháp kiểm soát được thiết lập bởi các cơ quan quản lý nghề cá khu vực (RMFOs);
- Khai thác và buôn bán gỗ trái phép, nghĩa là gỗ được thu hoạch, vận chuyển, mua bán theo cách vi phạm luật pháp của quốc gia (Hiện tại chưa có cơ chế kiểm soát quốc tế nào ràng buộc về mặt pháp lý đối với buôn bán gỗ xuyên biên giới, trừ các loài nguy cấp được quy định bởi Công ước CITES).