ThienNhien.Net – “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương – Thiết lập chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015” là chủ đề của Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 diễn ra từ 16-21/11 tại Đà Nẵng.
Đại hội biển Đông Á là một hội nghị quốc tế hàng đầu về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương, tập trung vào các biển Đông Á.Đây là nơi trao đổi thông tin tương tác, là cơ chế giám sát và lập kế hoạch cho sự phát triển bền vững của khu vực các biển Đông Á.
Đại hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 và định kỳ 3 năm/lần. Năm 2015, với vai trò là một quốc gia thành viên, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 tại Đà Nẵng.
Đại hội diễn ra từ ngày 16-21/11 với sự tham dự của 700 đại biểu trong nước và quốc tế là các nhà quản lý, khoa học, đại diện các bộ, ngành, địa phương trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp.
Đại hội lần này được xem là nền tảng để đánh giá những bài học kinh nghiệm và tiến bộ đạt được, mở rộng các hoạt động hiệu quả, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, xác định mục tiêu và kế hoạch mới cho khu vực Đông Á theo các cam kết toàn cầu về mục tiêu phát triển bền vững.
Đại hội sẽ có các hội thảo, hội nghị với 3 nhóm chủ đề chính: Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu; Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương.
Các sự kiện đặc biệt khác cũng sẽ diễn ra bao gồm: Hội nghị quan chức cấp cao Chính phủ (SGOM), cuộc họp đặc biệt Hội đồng Đối tác biển Đông Á; triển lãm môi trường biển và hải đảo.
Trong thời gian qua, Việt Nam đang từng bước thực hiện phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái.
Điều này giúp đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, đạt đồng thời các mục tiêu phát triển kinh tế biển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa, khắc phục các tác động xấu của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển Việt Nam; đóng góp vào việc cải thiện môi trường các biển Đông Á, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, bằng cách thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển và hải đảo vào hệ thống các chính sách, chiến lược đã giúp cho Việt Nam trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA).
Chính phủ Việt Nam cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ biển thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp biển và hải đảo, trong đó có quản lý tổng hợp vùng bờ.
Tại đại hội lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định những nỗ lực cùng với các nước trong khu vực xây dựng và duy trì các biển Đông Á thành một môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo luật pháp quốc tế, phát triển bền vững theo tiêu chí nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.