Các nhà khoa học cảnh báo về thành phần khói mù tại Indonesia

ThienNhien.Net – Những đám cháy dữ dội hoành hành trên khắp lãnh thổ Indonesia kèm theo làn khói độc hại đang gây thiệt hại thậm chí lớn hơn ước tính ban đầu đối với môi trường, động vật hoang dã và cộng đồng.

Trong khi sự chú ý gần đây hầu như hướng tới đảo Sumatra cùng đám khói lan sang Singapore và Malaysia, thì tỉnh Trung Kalimantan thuộc đảo Borneo đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn.

Từng được coi là “lá phổi của thế giới”, các khu rừng nhiệt đới và vùng đất than bùn tại Borneo đang phải vật lộn để có thể “hít thở” giữa đám khói mù từ một trong những vụ cháy lớn nhất 20 năm trở lại đây. Mặc dù đã huy động mọi nỗ lực để dập tắt ngọn lửa, nhưng trong bối cảnh một năm khô hạn do El Niño như hiện nay, không thể nói trước được khi nào các đám cháy sẽ dịu xuống và không khí có thể trong lành trở lại.

Đo khí độc trong đám khói mù tại Indonesia (Ảnh: M. Edliadi/CIFOR)
Đo khí độc trong đám khói mù tại Indonesia (Ảnh: M. Edliadi/CIFOR)

Nguyên nhân các vụ cháy đến từ nhiều phía và vô cùng phức tạp. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các nguyên nhân kinh tế xã hội, chính trị, các tác động lý sinh và cho biết các giải pháp giải quyết và phòng ngừa trong dài hạn đòi hỏi một chiến lược rõ ràng cùng với sự đồng tình từ tất cả các bên liên quan. Đây chính là lúc cần các nhà khoa học cùng những dữ liệu đáng tin cậy.  “Việc xác định những gì đang xảy ra rất quan trọng đối với các quốc gia nói chung. Nếu chúng ta không thể đánh giá được tác động, chúng ta sẽ không thể biết được vấn đề nghiêm trọng đến mức nào,” Louis Verchot, Giám đốc về Rừng và Môi trường tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) khẳng định.

Đánh giá tác động

Giữa tháng 10 vừa qua, 10 nhà khoa học đã cùng CIFOR và đối tác địa phương bao gồm Đại học Palangka Raya, Ban Quản lý Rừng và trung tâm nghiên cứu của tỉnh đã tổ chức hội thảo tập huấn nhằm xây dựng kĩ năng đánh giá tình huống. Tại hội thảo, người tham gia được học cách xác định tác động của các vụ cháy đối với bầu khí quyển, được giới thiệu các thiết bị chuyên dụng như đo độ dày lớp than bùn, thay đổi độ cao so với mực nước biển, định lượng các thành phần của khói và khí đốt, chụp ảnh nhiệt của cảnh quan từ không trung.

“Tôi tin rằng các dữ liệu, nếu có độ chính xác cao, có thể hỗ trợ các chính sách liên quan đến quản lý môi trường ở Trung Kalimantan. Ví dụ, dữ liệu cho thấy nồng độ thực của CO2, metan và các phân tử khí khác có thể cung cấp cho chính phủ thông tin mới nhất giúp đối phó với các sự kiện bất thường như những gì chúng ta đang chứng kiến”, nhà nghiên cứu tài nguyên môi trường và viễn thám Hendrik Segah tại Đại học Palangka Raya, Trung Kalimantan cho biết.

Ngay trong hội thảo, nhóm nghiên cứu đã đo mức độ các phân tử khí độc và khói trong không khí, bao gồm cả những phân tử có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp của con người khi hít thở.

Một số thành phần độc hại trong đám khói được xác định bao gồm: ozone, carbon monoxide, xyanua (cyanide), ammoniac và formaldehyde. Thông thường, các phép đo carbon monoxide cho kết quả nồng độ dưới một phần triệu (ppm). Thế nhưng tại Trung Kalimantan, kết quả đo được là 30 ppm, và đó mới chỉ là bên trong khách sạn nơi tổ chức hội thảo, cách khu vực hỏa hoạn gần nhất là 5 km.

Các ảnh hưởng của khói đối với sức khỏe con người đã được thống kê như: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi, và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, tác hại đầy đủ của việc phải sống trong khói bụi một thời gian dài đối với người dân tỉnh Trung Kalimantan vẫn chưa được xác định. Nhưng với mức khí độc hại đo được ngay trong hội thảo, các nhà nghiên cứu lo ngại ảnh hưởng của vụ cháy có thể còn tồi tệ hơn dự đoán.

Nếu chỉ sử dụng một thiết kế hay công nghệ thì không thể giải quyết được vấn đề. Vai trò của khoa học là sử dụng dữ liệu có căn cứ để thúc đẩy xã hội và các nhà hoạch định chính sách vào cuộc nhằm đối phó tận gốc vấn đề. Thế nhưng, có một điều có thể khẳng định lập tức, rằng lợi ích từ mở rộng đất nông nghiệp sẽ không thể bù lấp các tác động của cháy rừng tới nền kinh tế, nếu tính đến cả tác động tới sức khỏe, đa dạng sinh học và tài nguyên đất.