ThienNhien.Net – Những đối tượng phá rừng làm rẫy trên đỉnh Hòn Dung mà chúng tôi tiếp xúc, ban đầu cho rằng vì hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất nên mới làm liều. Nhưng thực tế, đất rẫy đó được họ hét giá cao ngất, và muốn mua bao nhiêu, họ cũng có thể đáp ứng…
Những lãnh địa riêng
Men theo con mương dẫn nước từ hồ Đá Bàn về phía nam, qua khỏi cầu Máng (thôn 5, xã Ninh Sơn), chúng tôi theo đường mòn hướng lên đỉnh một quả đồi khác của dãy núi Hòn Dung. Giữa trưa nắng, chúng tôi gặp một người đàn ông đang cuốc đất. Thấy chúng tôi tiến lên, người này vội buông cuốc, nói vọng xuống: “Các anh đi kiểm tra rừng à. Em cũng vì không có đất, cực chẳng đã mới lên đây phát cây để làm rẫy”. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi không phải là người của cơ quan chức năng đến kiểm tra, nét mặt người này giãn ra, vui vẻ ngồi tiếp chuyện với chúng tôi. Người đàn ông tên Đồng, nhà ở thôn 5, xã Ninh Sơn. Khu đất khoảng 1ha mà ông đang cuốc lỗ để gieo bí này do đích thân ông sau nhiều ngày cưa hạ, đốt cây rừng mới có được. Hỏi về những mảng màu xám đen, có chỗ còn âm ỉ bốc khói tiếp giáp với mảng màu xanh tươi của cây rừng xa xa trên dãy núi này, ông ta cho biết: “Những nơi đó là rẫy của anh tôi và của ông Dũng, ông Năm, thằng Khánh… Hôm trước ở đó cây rừng cũng phủ kín, phải mất nhiều công sức họ mới dọn sạch để chuẩn bị trồng bí”.
Lần hồi trong câu chuyện, người đàn ông hé lộ cho chúng tôi biết một luật phát rừng bất thành văn nghe khá lạ. Đó là ai đã có rẫy phía dưới thì cứ phát, đốt cây rừng để lấn dần lên phía đỉnh núi, ai không có rẫy phía dưới mà đến mở rẫy phía trên là không được. Hàng trăm héc-ta rẫy đã được trồng keo, bạch đàn phía dưới chân núi Hòn Dung hầu hết là do người dân lấn chiếm đất rừng trong nhiều năm qua. “Mình đã có rẫy phía dưới thì cứ thế mà phát lên trên đỉnh, thậm chí sang cả sườn phía bên kia. Chỉ sợ cơ quan chức năng hoặc mình không có sức mà làm chứ không ai dám đến đây tranh giành với mình”, một người mà chúng tôi tiếp xúc khẳng định.
Mua bao nhiêu cũng có
Khi mới gặp, ông Đồng than vãn do không có đất sản xuất nên mới lấn chiếm đất rừng để trồng bí; nhưng khi nghe chúng tôi nói đang tìm mua đất rẫy với diện tích tối thiểu 30ha để trồng cây mắc ca, ông liền khoe: “Tôi có 5ha rẫy đã trồng keo phía dưới và 1ha mới phát này nữa. Ở khu vực này, nếu tính cả rẫy cũ và rẫy mới của 3 anh em tôi cũng đã khoảng 14ha. Tôi sẽ giới thiệu cho các ông rẫy của 6 – 7 người ở gần đây là đủ diện tích. Nhưng phải được giá thì chúng tôi mới bán”.
Quả thật, sau đó chúng tôi được gặp những người có rẫy muốn bán do ông Đồng móc nối. Họ ra giá 42 triệu đồng/ha rẫy mới phát đốt trên đỉnh Hòn Dung. Ông Đồng cho biết tổng diện tích rẫy mới phát của 3 anh em và của 7 người khác cũng đã gần đủ 30ha; nếu chưa đủ diện tích cần mua thì họ sẽ làm thêm cho đủ, muốn mua bao nhiêu cũng có! Thậm chí, họ còn cam đoan nếu mua bán xong xuôi sẽ có giấy tay, được chính quyền địa phương xác nhận (?).
Mai này có còn rừng Hòn Dung?
Ngồi nói chuyện với một cụ ông (người địa phương) đã từng một thời hoạt động cách mạng trên căn cứ địa Đá Bàn, cụ ngậm ngùi chia sẻ: “Trước đây, Hòn Dung bạt ngàn cây rừng, toàn cây to. Vậy mà giờ đây, bị phá trắng tới tận đỉnh. Vừa rồi họ đốt rừng trên đỉnh núi đó chắc là diện tích lớn lắm, vì tôi ở ngay trung tâm xã, cách mấy cây số mà còn nhìn thấy khói, lửa bốc lên. Chuyện phá rừng đâu phải mới xảy ra. Trước đây, họ chỉ lấy gỗ tốt, nay thì cây lớn, cây nhỏ cưa sạch. Trạm kiểm soát lâm sản, UBND xã cách đó không xa mà họ đâu có sợ, cứ phá nát rừng như vậy thì còn gì là rừng Hòn Dung?”.
Sự lo lắng đó cũng chính là nỗi lòng của không ít người dân Ninh Sơn. Họ bức xúc lắm nhưng không ai tố cáo? Bởi việc lâm tặc phá rừng ai cũng biết, cũng thấy. Tố cáo điều ai cũng biết thì tố cáo làm gì?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, tổng diện tích đất rừng ở Ninh Sơn bị người dân lấn chiếm làm rẫy đã lên đến gần 200ha, chủ yếu tập trung ở khu vực phía đông núi Hòn Dung. Hẳn nhiên con số này chưa phải là con số chính xác, song chỉ mới chừng đó thôi cũng đủ hiểu tốc độ phá rừng làm rẫy ở Ninh Sơn là khủng khiếp đến thế nào. Ông Phạm Minh Long – Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết: “Thời gian qua, các đối tượng cố tình phát đốt ở khu vực trạng thái 1C rất ranh mãnh. Để tránh bị phát hiện, họ để chừa lại một dãy cây phía trước để làm bình phong, rồi chặt mở rộng phía sau nên lực lượng kiểm tra rất khó phát hiện. Đến khi cây khô, họ đốt thì mới phát hiện được nhưng chuyện đã rồi”.
Khi chúng tôi phản ánh về tình trạng tàn sát cây ở những vị trí trên đỉnh Hòn Dung, ông Long cho biết, trong phạm vi khu vực đó chỉ một phần nhỏ thuộc quản lý của xã, phần lớn thuộc trách nhiệm quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên đến chiều 30-10, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Long xác nhận: “Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xác định khu vực đó phần nhiều thuộc phạm vi quản lý của xã”. Ông Nguyễn Công Hà – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã cho biết: Ngày 30-10, đã cử cán bộ lên kiểm tra theo hình ảnh phóng viên cung cấp. Theo đó, phần cây bị đốn hạ thuộc quản lý của UBND xã Ninh Sơn và ông cũng nói thêm: “Nếu khu vực đó là rừng, nhưng đã bị người dân chặt phá, nay đã làm rẫy mà họ nói là rẫy cũ của họ làm từ năm 1998 đến nay thì cũng chịu thua, không xử lý được”.
Giờ đây, rừng Hòn Dung đã bị xâm hại nghiêm trọng. Nếu không mạnh tay xử lý, mai này người dân Ninh Sơn sẽ là người trực tiếp chịu hậu quả từ việc mất rừng.