ThienNhien.Net – Để xây dựng lại Thủy điện Đạ Dâng – công trình từng xảy ra sự cố sập hầm làm 12 công nhân bị mắc kẹt hơn 3 ngày đêm – cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư phải thiết kế lại toàn bộ đường hầm dẫn nước.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng khẳng định chưa có quyết định nào cho phép thủy điện Đạ Dâng thi công trở lại. Mới đây, Chính phủ chỉ đồng ý về mặt chủ trương cho thủy điện Đạ Dâng xây dựng lại với điều kiện khắc phục xong những sai phạm của dự án này và được cơ quan chức năng kiểm tra. Thủy điện Đạ Dâng chỉ được xây dựng lại khi UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép.
Rục rịch thi công lại
Ngày 30-10, Công ty CP Sông Đà 10 và Công ty CP Sông Đà 10.1 – hai đơn vị nhận thi công toàn bộ các hạng mục còn lại của đường hầm dẫn nước Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng – đã bắt đầu triển khai những công việc đầu tiên.
Ở cửa đường hầm phía Nam, công việc được triển khai sớm hơn. Tại đây, nước đã được hút ra, hệ thống điện chiếu sáng, ống thông gió vào đường hầm cũng đã được lắp đặt. Công ty CP Sông Đà 10 bắt đầu đưa thiết bị vào bên trong đường hầm để chuẩn bị thi công. Tuy nhiên, ông Vũ Thế Công, chỉ huy trưởng công trường, cho biết nhanh nhất cũng phải mất hơn một tuần nữa, đường hầm mới có thể thi công lại.
Công việc đầu tiên của đơn vị này là phải gia cố lại những vị trí xung yếu trong đường hầm để công tác thi công được an toàn. Theo ông Công, sau khi sự cố sập đường hầm dẫn nước của nhà máy thủy điện này xảy ra vào cuối năm 2014, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 đã được thuê khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hạng mục của hệ thống đường hầm. Kết quả khảo sát cho thấy hàng trăm mét đường hầm được đơn vị thi công trước đó gia cố không bảo đảm kỹ thuật, nhiều đoạn dài đến vài chục mét.
Trong khi đó, cửa hầm phía Bắc (nơi đã xảy ra vụ sập đường hầm làm 12 công nhân mắc kẹt 3 ngày đêm) hiện do Công ty CP Sông Đà 10.1 nhận thi công. Việc triển khai xây dựng trở lại diễn ra có phần chậm hơn. Sáng 30-10, cửa đường hầm này vẫn trong tình trạng “không phận sự miễn vào”.
Một nam công nhân tại đây cho biết anh được giao nhiệm vụ vận hành máy hút nước trong đường hầm ra ngoài, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, thông khí. Từ ngày 31-10, những công việc này mới bắt đầu được thực hiện. Sau khi hoàn tất những công việc trên, công tác gia cố, đào đường hầm sẽ được triển khai.
Theo đánh giá của một số công nhân kỹ thuật đang làm việc tại đây, công tác thi công đường hầm dẫn nước này sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc khoan đào đường hầm để nối thông 2 đầu với nhau. Nguyên nhân là do kết cấu địa chất bên trong rất yếu, trong đất có lẫn nhiều nước và cát nên ít liên kết, rất dễ sạt lở. Ông Vũ Thế Công cho biết hiện đường hầm chỉ còn vài chục mét nữa là thông nhau nhưng việc triển khai có thể phải kéo dài nhiều tháng.
Còn lâu mới cho phép!
Ông Nguyễn Tiên Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Công ty Long Hội – chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng), thừa nhận công trình này đang được làm lại một số hạng mục. “Hiện chúng tôi chỉ mới làm bên ngoài, như làm đường giao thông, vì qua mùa mưa xói lở nhiều. Trong đường hầm, chỗ nào nguy hiểm thì chống đỡ tạm để tránh sập hầm” – ông Phong cho hay.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Ngọc Hải – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cơ quan được UBND tỉnh giao làm đầu mối phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét việc khắc phục sự cố ở thủy điện Đạ Dâng – còn lâu thủy điện này mới được cho phép xây dựng lại. Bởi lẽ, còn rất nhiều sai phạm ở đây chưa được khắc phục.
“Sau khi khắc phục xong, Sở Công Thương mới cùng các ngành liên quan kiểm tra rồi trình UBND tỉnh. Cho phép xây dựng lại hay không là UBND tỉnh Lâm Đồng. Phải nói là còn lâu lắm!” – ông Hải khẳng định.
Đối với đường hầm dẫn nước, ông Hải cho biết đã buộc chủ đầu tư thiết kế lại toàn bộ. “Mà họ đã làm đâu! Họ phải báo cáo là thuê đơn vị tư vấn nào để mình đánh giá năng lực có làm được hay không. Khi nào đánh giá được, họ mới bắt tay thiết kế, rồi phải kiểm tra, thẩm định đủ thứ. Đến giờ, họ chưa làm gì hết mà” – ông Hải nói. Theo ông, sắp tới, nếu được thì UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ cho phép xây dựng lại các hạng mục bên ngoài hầm dẫn nước như đường công vụ, đường dây điện hoặc hạng mục công trình nhà máy. Tuy nhiên, đến giờ, những hạng mục này vẫn chưa được tỉnh cho phép.
Ông Lê Quang Huy, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng trước khi cho thi công lại, cơ quan này phải kiểm tra môi trường lao động có an toàn với người lao động hay không. Tuy nhiên, hiện việc kiểm tra chưa được tiến hành vì công tác khắc phục ở dự án này chưa xong.
Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đang đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ để xem xét xử phạt về an toàn lao động khi không huấn luyện an toàn lao động cho công nhân trước khi sự cố sập hầm xảy ra. “Nếu chưa khắc phục xong mà xây dựng lại thì rất nguy hiểm, không bảo đảm an toàn lao động. Chắc chắn không dễ dàng gì để cho xây dựng lại” – ông Huy khẳng định.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cũng cho biết đang lập hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đơn vị tham gia xây dựng thủy điện Đạ Dâng từ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến các đơn vị thi công vì những sai phạm khi tham gia xây dựng công trình này trước đây. “Chúng tôi buộc họ phải làm đúng quy trình, quy định rồi mới cho phép thi công, chứ hiện nay thì chưa thể cho làm được” – ông Trung giải thích.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình – Bộ Xây dựng, cho biết sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, cơ quan này đã giám định và chỉ ra nhiều chỗ chưa đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật ở công trình này. “Chủ trương của chúng tôi là vẫn cho thủy điện này xây dựng nhưng phải khắc phục, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của công trình” – PGS-TS Hà cho hay.
Chủ đầu tư phải chi trả chi phí cứu nạn
Theo ông Huỳnh Ngọc Hải, vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng không phải vì thiên tai mà là tai nạn lao động nên chi phí cho việc cứu nạn phải do chủ đầu tư chi trả. Ông Hải cho biết Công ty Long Hội đã chi trả khoảng 2,7 tỉ đồng cho các đơn vị tham gia cứu 12 công nhân mắc kẹt trong sự cố sập hầm thủy điện này. “Tôi nghĩ doanh nghiệp cũng nên có trách nhiệm với chuyện này. Anh có đồng thuận trong việc khắc phục thì sau này mới thi công tốt được” – ông Hải nói và cho biết thêm có một số đơn vị tham gia cứu nạn nhưng với tinh thần “công quả”, không yêu cầu chi trả chi phí cứu nạn. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiên Phong, một số đơn vị đã liên hệ trực tiếp với công ty để nhận lại chi phí cứu nạn. Đến nay, công ty đã trả chi phí cho việc cứu nạn trong vụ sập hầm thủy điện tổng cộng trên 3 tỉ đồng. |