ThienNhien.Net – Hơn 4.700 hộ dân vùng dự án đã và đang mòn mỏi chờ đợi sân bay Long Thành được triển khai. Nhà cửa của họ sau mười lăm năm nằm trong quy hoạch đã mục nát và “dọa” sập nên họ mong sớm được “khai tử” để chuyển tới nơi tái định cư. Mong dự án sân bay Long Thành sớm triển khai; Có chỗ tái định cư ổn định; Có công việc mới nuôi sống gia đình – 3 điều ước của người dân vùng dự án trong những ngày này…
Mười lăm năm chờ đợi…
Năm 2005, khi dự án quy hoạch sân bay Long Thành công bố thì mọi hoạt động xây dựng, sang nhượng đất đai tại 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành đều bị đình lại. Nhiều ngôi nhà vì thế xuống cấp nghiêm trọng, mục nát và có nguy cơ sụp đổ. Các trường học cũng không được sửa sang vì lý do “sắp di dời”, còn công việc người dân cũng chỉ làm cầm chừng cho qua ngày đợi dự án triển khai.
Ông Đặng Tiểu Bình, 62 tuổi, ngụ ấp 1, xã Suối Trầu, Long Thành cho biết: “Trước đây, chúng tôi được cán bộ xã về tuyên truyền phải tạm ngừng mọi hoạt động xây dựng để chuẩn bị cho ra đời một siêu dự án, là sân bay lớn nhất nước, mang tầm vóc quốc tế, hứa hẹn sẽ thay đổi cuộc sống của bà con”.
Còn ông Mai Văn Thành, 70 tuổi chia sẻ: “Lúc đó, chúng tôi cũng cứ tin tưởng dự án sớm xảy ra để thoát khỏi cảnh làm nông cực nhọc, nhưng rồi từ hy vọng chúng tôi chuyển sang thất vọng và lo lắng khi nhà cửa thủng dột, lún nứt mà không được sửa chữa. Thằng con trai lớn đi lấy vợ muốn có miếng đất để lập nghiệp cũng không thể sang tên cho nó, còn dự án sân bay thì ở đâu chẳng thấy. Nếu bây giờ cho tôi ba điều ước thì tôi chỉ ước dự án sớm được triển khai, có nhà cửa tái định cư đàng hoàng và có công việc kiếm ra tiền như trước khi di dời”.
Những chia sẻ của ông Bình, ông Thành cũng là tâm tư của rất nhiều người dân xã Suối Trầu, huyện Long Thành – nới sẽ bị giải tỏa trắng khi dự án triển khai. Vào xã Suối Trầu chỉ có một con đường đất đỏ độc đạo và lầy lội, hai bên đường là rừng cây cao su già cỗi, đã lâu không có người chăm sóc.
Ở khu dân cư tập trung của xã Suối Trầu, trước mắt chúng tôi là những căn nhà lụp xụp, cũ kỹ; nhiều nhà xiêu vẹo, đổ nát, những tấm tôn chờ đổ xuống cũng không thấy sửa sang. Có cảm giác, chúng tôi lạc vào một thế giới mà người dân thờ ơ với chính ngôi nhà ở của mình. Ông Phạm Văn Thay (57 tuổi) cho biết, mỗi khi sửa nhà đều phải xin ý kiến lãnh đạo địa phương. Gần đây, cửa sổ gỗ mục nát, ông lắp tấm nylon để chống mưa. Làm cửa như vậy không bền nhưng đỡ vướng thủ tục rườm rà.
Còn nhà bà Trần Thị Thanh (75 tuổi, xã Suối Trầu) thì toàn bộ cột, kèo trong nhà bằng gỗ đã bị mối mọt ăn mục hết, bà Thanh cho hay: “Ngôi nhà 50 m2 được vợ chồng tôi xây dựng từ 25 năm trước nên đã hư hỏng. Những lúc mưa gió, tôi phải sang nhà hàng xóm trú tạm vì sợ nhà sập”.
Ông Ngô Thế Ân – Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành chia sẻ: “Người dân của 6 xã nằm trong vùng dự án đã khổ suốt mười lăm năm rồi và họ không thể chịu đựng thêm được nữa, nhà cửa đã mục nát hết và con cái họ cần có nơi học hành đàng hoàng hơn. Việc khẩn cấp bây giờ là chúng tôi phải làm mọi cách để dự án được đền bù giải phóng mặt bằng nhanh, chứ nếu kéo dài người dân còn khổ nữa. Thông tin sơ bộ, đến năm 2018 chúng tôi phải hoàn thành đền bù phục vụ dự án, và người dân đang rất mong được đền bù một lần, chứ đến 2018 đền một phần thì gặp khó khăn lớn…”.
Đồng Nai… lo sốt vó
Mới đây khi Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai “nóng dần lên”, người dân lại thêm một lần nữa háo hức chờ đợi, hy vọng, còn chính quyền tỉnh Đồng Nai thì… lo sốt vó. Liên tục các cuộc họp giữa tỉnh và các ban ngành được diễn ra theo tần suất tăng dần. Cuộc họp nào, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng nhắc đi nhắc lại: “Phải làm sao để người dân có cuộc sống tốt hơn sau khi tái định cư! Triển khai dự án sớm ngày nào thì người dân bớt khổ ngày đó”.
Ông Trần Văn Vĩnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lo lắng: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2018 sẽ tiến hành khởi công dự án sân bay Long Thành. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là mới có chủ trương đầu tư chứ chưa phê duyệt dự án. Theo quy định, dự án phải được phê duyệt mới được giải phóng mặt bằng”. Ông Vĩnh cho rằng, nếu chờ phê duyệt dự án rồi mới tiến hành xây dựng khung chính sách đền bù, thu hồi đất sẽ không kịp tiến độ khởi công bởi ngoài việc đền bù giải tỏa, còn phải xây dựng hai khu tái định cư. “Chính phủ cần có một cơ chế đặc thù cho dự án trọng điểm này. Nếu được thì cho phép tiến hành xây dựng ngay khung chính sách, tiến hành thu hồi đất trước khi phê duyệt dự án. Tách hạng mục xây dựng khu tái định cư thành một tiểu dự án riêng” – ông Vĩnh kiến nghị.
Vấn đề nữa là tìm cho người dân công việc thích hợp có thu nhập ổn định sau khi tái định cư. Ông Nguyễn Văn Hạnh (74 tuổi, ngụ ấp 1, xã Suối Trầu) cho biết: Vợ chồng tôi và một đứa con hiện nay đang canh tác trên 5 ha đất nông nghiệp. Mỗi năm thu hoạch được khoảng 200 triệu đồng từ cây điều và 120 triệu đồng từ cây càphê. “Tôi ủng hộ việc di dời vì mục đích quốc gia. Tuy nhiên, mong muốn khi thực hiện bồi thường phải thỏa đáng, do tôi phải “cống hiến” 5 ha đất và lợi tức từ đất hàng trăm triệu/ năm, không thể khi tái định cư mà chỉ được hỗ trợ bằng hộ chỉ có một căn nhà nhỏ, rồi vợ chồng tôi già cả thế này khi sang ở nơi tái định cư mới thì không biết làm nghề gì để sống!”.
Đích thân ông Trần Văn Vĩnh cũng đã xuống huyện Long Thành làm việc với các đơn vị liên quan để tái tạo việc làm cho người dân sau khi di dời. Ông Vĩnh đánh giá, đây là việc quan trọng thứ hai sau việc tái định cư, do đó cần thực hiện ngay, thành lập một ban chỉ đạo tiểu dự án giải quyết việc làm cho người dân mới giải quyết rốt ráo được vấn đề, để người dân sau khi tái định cư có thể sống bằng nghề để nuôi được gia đình.
Dự kiến trong quá trình triển khai xây dựng sân bay Long Thành, sẽ cần 20.000 lao động, với tỉ lệ lao động phổ thông khoảng 75%. Ngoài ra các nhân khẩu trong độ tuổi lao động, với trên 80% có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới, sau khi được đào tạo nghề sẽ tạo điều kiện bố trí làm việc tại các KCN Lộc An – Bình Sơn, KCN Long Đức, các KCN lân cận gần sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, hiện chính quyền Long Thành đang rất khó khăn khi giải quyết việc làm cho đối tượng tuổi trên 40 tuổi. Ở nhóm tuổi này gần hết tuổi lao động khi mất ruộng đất sẽ rất khó xin việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Ông Ngô Thế Ân đề nghị cần có giải pháp về chính sách BHXH trợ cấp cho các đối tượng này theo các mức độ. “Các lao động này thuần là lao động nông nghiệp, chúng tôi sẽ mời gọi một số nhà đầu tư thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao để giải quyết những lao động này. Hiện đã có nhà đầu tư Nhật Bản đánh tiếng dự án”.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch xã Suối Trầu lo lắng: “Hơn 80% số dân xã Suối Trầu sống bằng nghề nông, nhiều người đã lớn tuổi. Bởi vậy, đất nông nghiệp là kế sinh sống của họ. Tôi cũng lo lắng khi di dời tới nơi ở mới cuộc sống có tốt hơn không? Do vậy, xã cũng chỉ biết kiến nghị tỉnh và trung ương có chính sách để người dân được đào tạo nghề và hỗ trợ đền bù tốt nhất, đảm bảo cuộc sống sau khi tái định cư”.
Đồng Nai đang nỗ lực để dự án sớm được triển khai, thông qua đó hiện thực hóa ba ước mơ lớn của người dân 6 xã của huyện Long Thành. Tuy nhiên, để làm được điều này, Đồng Nai cần thêm nhiều sự hỗ trợ mang tính đột phá và kịp thời của các bộ ngành Trung ương.