ThienNhien.Net – Nhiều nơi đang khô hạn nặng, mực nước sụt giảm nghiêm trọng nên chỉ mong chờ có một cơn bão mang mưa tới. Câu chuyện tréo ngoe này đã được nhiều người nêu ra tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ứng phó tình hình khô hạn và xâm nhập mặn được Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 31-10 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.
Tiết kiệm từng giọt nước
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Y Dhăm Ênuôl, cho rằng phần lớn diện tích trồng trọt trên địa bàn tỉnh này là cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu… cần lượng nước tưới rất lớn nhưng nhiều tháng qua đối mặt khô hạn, các hồ chứa đều dưới mực nước yêu cầu. “Chúng tôi mong có một cơn bão mang mưa tới, nếu không thì rất căng thẳng với tình trạng hạn hán như hiện nay” – ông Y Dhăm Ênuôl chia sẻ.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương cho biết, thời tiết dị thường đã bắt đầu từ cuối năm 2014 và cho đến nay đã ở đỉnh điểm. Tại Nam bộ và Tây Nguyên tính đến tháng 10-2015, mùa mưa đã kết thúc sớm hơn mọi năm 1 tháng. Tại Trung bộ, lượng mưa cũng như dòng chảy các sông, mực nước các hồ chứa thủy điện và thủy lợi sẽ bị thiếu hụt 30% – 50% so với cùng kỳ, còn Tây Nguyên và Nam bộ sẽ thiếu hụt khoảng 20% – 40%. Hiện tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra sớm ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre… ngay từ tháng 10-2015 và sẽ nghiêm trọng hơn nhiều trong những tháng tới. Khoảng tháng 3-2016 hiện tượng El Nino mới kết thúc nhưng còn ảnh hưởng tới tận tháng 6-2016. Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương nói rằng theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2015 có thể còn 1 – 2 cơn bão đổ bộ biển Đông và “hy vọng sẽ có một cơn đổ vào Trung bộ để giải quyết tình trạng khô hạn nặng như hiện nay”.
Trao đổi với PV Báo SGGP bên lề cuộc họp, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia (Bộ TN-MT) cho biết, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa… và Tây Nguyên đang là tâm điểm khô hạn. Khoảng 40% lượng nước ở khu vực Nam Trung bộ đang phải trông đợi vào các cơn bão vì trong điều kiện bình thường thì rất hiếm mưa. Theo ông Hải, không ai mong đợi những cơn bão đổ bộ vì rủi ro nhiều, song từ nghịch lý ở Trung bộ cho chúng ta thấy một điều là phải tính tới quy hoạch nguồn nước và các hồ chứa để tích trữ cho mục tiêu lâu dài (gồm sinh hoạt, phát điện và sản xuất nông nghiệp). Tại các nước hiện đại như Nhật Bản hiện đã phát triển hệ thống thủy điện tích năng, có thể dùng sản lượng điện nhàn rỗi vào ban đêm để bơm ngược nước ở hạ du lên hồ chứa, không để thất thoát nước ngọt, chúng ta cũng đang nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thì nhấn mạnh trong bối cảnh như hiện nay, tâm lý của nhiều đại biểu có mặt tại cuộc họp trực tuyến đều mong có bão nhưng là bão nhẹ và mưa nhiều hơn để mang lượng nước cho các khu vực khô hạn. Nhưng về chủ quan, các địa phương phải tính toán các giải pháp dài hạn cho mùa mưa năm sau có thể vẫn bị thiếu nước. “Theo tôi, các tỉnh ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên cần giảm diện tích trồng lúa để chuyển sang cây ngắn ngày và cây công nghiệp, đồng thời phải ưu tiên nguồn nước cho các dự án quan trọng trên tinh thần tưới tiết kiệm” – Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo. Ông cũng cho biết, ngay thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức một triển lãm để các doanh nghiệp trình diễn công nghệ tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt) cho bà con nông dân áp dụng, đây là công nghệ thể hiện tính ưu việt cao, tiết kiệm 30% lượng nước mà vẫn đảm bảo cho năng suất cao, cần phải nhân ra diện rộng.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, hiện nay không chỉ Việt Nam mà hầu như các quốc gia trong khu vực hiện đang thiếu nước, khô hạn nghiêm trọng, trong đó gồm cả các quốc gia có thế mạnh về lúa gạo như Thái Lan và Ấn Độ hoặc các nước mới nổi như Myanmar, Campuchia… Điều này dự báo sản lượng lương thực làm ra sắp tới sẽ bị thiếu hụt, nên trong cuộc họp mới nhất của Bộ NN-PTNT vừa tổ chức, các thành viên đã nhất trí quan điểm phải thực hiện mọi biện pháp khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất lúa gạo vụ đông xuân 2015 – 2016 để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, đón thời cơ tốt.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó
Dự báo trong thời gian tới, từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016, nền nhiệt độ trên cả nước có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,50C – 1,50C. Trong các tháng chính đông của miền Bắc ít có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại. Lượng mưa so với trung bình nhiều năm cùng kỳ ở khu vực Bắc bộ có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, khu vực Trung bộ có khả năng thiếu hụt từ 30% – 50% lượng mưa; khu vực Tây Nguyên, Nam bộ, Bình Thuận (từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016) có khả năng ở mức thấp hơn 20% – 40% lượng mưa. Đáng lưu ý, lượng nước trữ tại các hồ chứa ở một số khu vực chỉ đạt 40% – 50%, thậm chí có nơi đạt 10% – 20% dung tích thiết kế. Chẳng hạn như: các hồ chứa thủy lợi thuộc lưu vực sông Mã (tỉnh Thanh Hóa), lưu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị), lưu vực sông Hương (Thừa Thiên – Huế) mới chỉ đạt 40% – 50% dung tích thiết kế. Riêng các hồ chứa thuộc lưu vực sông Ba – Bàn Thạch (Phú Yên) mới đạt 10% – 20% dung tích; hồ chứa lưu vực sông Kone (Bình Định) chỉ đạt 20% – 30% dung tích…
Đưa ra các giải pháp phòng, chống hạn hán năm 2015 – 2016, đối phó với hiện tượng El Nino, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, hàng loạt thông số từ Trung tâm Khí tượng – thủy văn Trung ương cung cấp cho chúng ta các cảnh báo về những hiện tượng thời tiết bất thường sẽ xảy ra trong năm 2016 sắp tới. Tuy vậy, những hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ theo một chiều, chẳng hạn gần đây xuất hiện khái niệm mùa đông ấm, thay vì mùa đông sẽ rét đậm rét hại như trước đây. Mùa mưa lại khô (mọi khi mưa lũ rất nghiêm trọng) hơn trước. Chúng ta thấy, cùng lúc xuất hiện hai hình thái, mưa lũ nghiêm trọng tại Quảng Ninh, nhưng cùng lúc vào mùa mưa nhưng xuất hiện tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên. Trước tình hình này, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể, ứng phó trong mọi trường hợp để hạn chế thiệt hại, như: Tăng cường, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về hiện tượng thiếu nước; khuyến khích người dân tích trữ, sử dụng nguồn nước có hiệu quả…
“Tôi đề nghị, các địa phương cần xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán xâm nhập mặn; đồng thời chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán và El Nino. Các địa phương phải có những biện pháp xử lý nhanh, kịp thời, chứ không chờ đợi nguồn ngân sách Trung ương kiểu “đau đẻ chờ sáng trăng”, sẽ rất chậm. Đối với những địa phương cần hỗ trợ, đề nghị phía Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cùng tập trung kiến nghị lên Thủ tướng xử lý. Tương tự, các trường hợp về giống, cây trồng, vốn Trung ương chưa xử lý kịp thì địa phương cứ ứng vốn trước, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ sau”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.