Đề xuất sửa đổi một số quy định về tội phạm môi trường trong Bộ Luật hình sự

ThienNhien.Net – Tội phạm môi trường dù đã được đưa vào BLHS của Việt Nam từ năm 1999 song trong suốt hơn 14 năm thi hành mới chỉ áp dụng chủ yếu với hai tội danh là tội hủy hoại rừng và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Các tội danh khác rất ít hoặc thậm chí chưa bao giờ được sử dụng để tuyên án, trong đó có những tội rất quan trọng như tội gây ô nhiễm không khí, tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do các tội danh được quy định quá chung chung, chưa phù hợp với thực tiễn pháp lý tại Việt Nam. Phương pháp quy định chung như vậy chỉ có thể phát huy hiệu quả trong những hệ thống pháp luật mà các thẩm phán có thể chủ động giải thích pháp luật, hoặc với các tội phạm truyền thống. Trong khi đó tại Việt Nam, các thẩm phán và cơ quan tiến hành tố tụng thường rất thụ động với việc giải thích luật trong quá trình áp dụng. Hơn nữa, tội phạm môi trường là tội phạm phi truyền thống, chưa có các tiền lệ cũng như tài liệu phân tích đầy đủ, vững chắc để các thẩm phán có thể dựa vào đó mà xét xử. Do đó, phương pháp phù hợp nhất để xử lý vấn đề tội phạm môi trường ở Việt Nam là quy định càng chi tiết, rõ ràng trong BLHS và các văn bản hướng dẫn càng tốt. Dưới đây là một số kiến nghị cụ thể cho từng vấn đề, điều luật, tội danh trong chương Tội phạm môi trường của Dự thảo BLHS.

Tội gây ô nhiễm môi trường

Hiện nay, Dự thảo BLHS đã có quy định tương đối rõ ràng về Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 231) thông qua việc nêu rõ 4 loại hành vi cụ thể. Đây là sửa đổi hợp lý, tuy nhiên điều luật này vẫn có một số điểm chưa đáp ứng yêu cầu, cụ thể như sau: (i) Chưa phù hợp với Điều 232 về tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại. Theo đó, cùng là hành vi cố ý đổ thải ra môi trường, nhưng nếu đó là chất thải nguy hại thì xử lý nhẹ hơn so với chất thải thông thường (Điều 232 có khung hình phạt thấp hơn Điều 231); (ii) Quy định cả các hành vi về bức xạ, phóng xạ là không thực sự cần thiết khi đã có tội danh riêng đối với quản lý chất phóng xạ; (iii) Các mức xử phạt hiện nay đang được lấy dựa trên khung cao nhất của xử lý hành chính trong khi soạn thảo các văn bản về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lấy các mức đó trong bối cảnh không thể xử lý hình sự; (iv) Không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các loại chất thải rắn thông thường vì mức độ nguy hại của loại chất thải này tương đối thấp; và (v) Chưa lượng hóa mức độ thiệt hại.

Do đó, Điều 231 của Dự thảo nên được sửa đổi lại như sau:

Điều 231. Tội gây ô nhiễm môi trường

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm:

a) Xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên hoặc có độ pH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,85 đến 14 trong trường hợp lưu lượng nước thải từ 3000m3/ngày đến dưới 5000m3/ngày;

b) Thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 120.000m3/giờ đến dưới 200.000m3/giờ;

c) Chôn, lấp, đổ thải 3000kg đến dưới 4000kg chất thải có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải có chứa các thành phần nguy hại khác;

d) Xả nước thải, thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, chôn, lấp, đổ thải chất thải mà gây tổng thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và thiệt hại đối với môi trường trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù 3 năm đến 7 năm:

a) Xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên hoặc có độ pH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,85 đến 14 trong trường hợp lưu lượng nước thải từ 5000m3/ngày đến dưới 8000m3/ngày;

b) Thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 200.000m3/giờ đến dưới 300.000m3/giờ;

c) Chôn, lấp, đổ thải 4000kg đến dưới 5000kg chất thải có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000kg đến dưới 20.000kg đối với chất thải có chứa các thành phần nguy hại khác;

d) Xả nước thải, thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, chôn, lấp, đổ thải chất thải mà gây tổng thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và thiệt hại đối với môi trường trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng hoặc phạt tù 7 năm đến 12 năm:

a) Xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên hoặc có độ pH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,85 đến 14 trong trường hợp lưu lượng nước thải từ 8000m3/ngày trở lên;

b) Thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 300.000m3/giờ trở lên;

c) Chôn, lấp, đổ thải từ 5000kg trở lên chất thải có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000kg trở lên đối với chất thải có chứa các thành phần nguy hại khác;

d) Xả nước thải, thải khí, bụi có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, chôn, lấp, đổ thải chất thải mà gây tổng thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và thiệt hại đối với môi trường trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 4 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm;

d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 đến 3 năm

Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)
Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)

Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng

BLHS 2009 có hai tội danh về bảo vệ môi trường mang tính chất vô ý là Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại và Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường. Dự thảo BLHS lại chuyển Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại từ lỗi vô ý thành lỗi cố ý và giữ nguyên yếu tố lỗi trong Tội về sự cố môi trường. Cách tiếp cận này không hợp lý và cũng không cần thiết phải phân loại. Về vấn đề này, BLHS chỉ cần quy định hai tội, một tội với lỗi cố ý – Tội gây ô nhiễm môi trường (đã trình bày trên) và một tội với lỗi vô ý – Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, tội với lỗi cố ý thì có thể bị truy cứu mà không cần yếu tố thiệt hại thực tế còn tội với lỗi vô ý thì cần có yếu tố thiệt hại.

Như vậy, có thể nhập các Tội danh vi phạm quy định về quản lý chất thải và Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường thành một tội và mở rộng phạm vi ra tất cả các hành vi khác mà vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:

Điều 233: Tội vi phạm quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc thiệt hại về môi trường với tổng giá trị từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại có tổng giá trị từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

3. Phạm tội gây thiệt hại có tổng giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm;

d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 đến 3 năm

Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam

Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong BLHS năm 1999 đã được sửa đổi thành Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam vào năm 2009. Mặc dù đã có nhiều trường hợp nhập khẩu hàng hóa, phế liệu, máy móc thiết bị có chứa hóa chất, vật liệu có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng cho đến thời điểm này rất hiếm hoi các vụ việc được xử lý hình sự. Theo số liệu thống kê của Toà án nhân dân tối cao, kể từ năm 2001 – 2010, ngành Toà án nhân dân chỉ xét xử hai vụ về Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải và các chất không bảo đảm tiêu chuẩn BVMT (Nguyễn Trí Chinh, 2010). Bất cập chủ yếu nằm ở chỗ không xác định được như thế nào là “số lượng lớn” và “gây hậu quả nghiêm trọng”. Do đó, khi sửa đổi Tội danh này chỉ cần lượng hóa các khái niệm này. Cụ thể như sau:

 

Điều 236. Tội đưa chất thải, hóa chất cấm vào lãnh thổ Việt Nam

1. Người nào đưa vào lãnh thổ Việt Nam vật chất thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Chất thải nguy hại có khối lượng từ 1000kg đến dưới 2000kg

b) Chất thải thông thường có khối lượng từ 10.000kg đến dưới 20.000kg

c) Phế liệu có chứa tạp chất nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về ngưỡng chất thải nguy hại từ 2 lần trở lên với khối lượng từ 10.000kg đến dưới 20.000kg;

d) Hóa chất cấm có khối lượng từ 100kg đến 200kg trừ trường hợp được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Chất thải nguy hại có khối lượng từ 2000kg đến dưới 5000kg

b) Chất thải thông thường có khối lượng từ 20.000kg đến dưới 50.000kg

c) Phế liệu có chứa tạp chất nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về ngưỡng chất thải nguy hại từ 3 lần trở lên với khối lượng từ 20.000kg đến dưới 50.000kg;

d) Hóa chất cấm có khối lượng từ 200kg đến 500kg trừ trường hợp được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Chất thải nguy hại có khối lượng từ 5000kg trở lên;

b) Chất thải thông thường có khối lượng từ 50.000kg trở lên;

c) Phế liệu có chứa tạp chất nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về ngưỡng chất thải nguy hại từ 3 lần trở lên với khối lượng từ 50.000kg trở lên;

d) Hóa chất cấm có khối lượng từ 500kg trở lên trừ trường hợp được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cầm hàng nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm

5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng hoặc tạm đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 10 tỷ đến 15 tỷ đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm.

Một vấn đề nữa được đưa ra thảo luận về Dự thảo BLHS lần này là nguồn của luật hình sự. Từ trước đến nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, BLHS là văn bản pháp luật duy nhất quy định về tội phạm và hình phạt. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cách làm này không phù hợp với vấn đề tội phạm môi trường. Trong quá trình lập pháp ở nhiều quốc gia, Bộ Tư pháp là cơ quan chuyên trách về hình sự thường sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo BLHS. Cơ quan này thường có chuyên môn sâu về việc đấu tranh chống các tội phạm truyền thống liên quan đến việc xác định yếu tố cấu thành và hình phạt tương ứng. Tuy nhiên, những cơ quan, chuyên gia này lại gặp nhiều khó khăn trong việc xác định và xử lý các tội phạm phi truyền thống do yếu tố hành vi của các tội phạm này rất đa dạng, xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng cần có kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành. Để khắc phục tình trạng này, nhiều quốc gia đã cho phép các đạo luật khác cũng được quy định về tội phạm và hình phạt, nhưng phải đảm bảo tương thích với các tiêu chuẩn của BLHS. Để làm được điều này, thủ tục lập pháp yêu cầu các đạo luật khác nếu có quy định về tội phạm và hình phạt thì phải được đồng thời cả hai cơ quan chấp thuận trình là Bộ Tư pháp và bộ chuyên ngành. Nói cách khác, Bộ Tư pháp có quyền phủ quyết việc trình một đạo luật vì lý do các quy định về tội phạm và hình phạt trong đạo luật đó chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của BLHS.

Tại Việt Nam, đơn vị được phân công soạn thảo ban đầu BLHS là Vụ Hình sự – Hành chính của Bộ Tư pháp. Bộ luật sau đó được trình lên Chính phủ và Chính phủ tiếp tục trình lên Quốc hội. Kết quả của quá trình này là các tội danh phi truyền thống thường được quy định rất chung chung, gây khó khăn cho việc áp dụng như đã phân tích trên. Hơn nữa, chu kỳ sửa đổi BLHS thường kéo dài hàng chục năm và người chủ động đề xuất sửa đổi thường là Bộ Tư pháp. Quy trình này khiến cho các quy định về tội phạm phi truyền thống, trong đó có tội phạm môi trường, thường không theo kịp nhu cầu điều chỉnh xã hội. Để khắc phục tình trạng này, BLHS của Việt Nam có thể bổ sung quy định cho phép các luật khác cũng được quy định về tội phạm và hình phạt, với điều kiện rằng các điều luật này phù hợp với chính sách và pháp luật hình sự của Việt Nam. Để bảo đảm điều này, BLHS có thể dành thêm một điều luật để sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung liên quan đến quy trình xây dựng dự án Luật, theo đó, nếu Bộ Tư pháp không đồng tình thì các quy định về tội phạm và hình phạt trong các đạo luật khác sẽ không được trình ra Chính phủ và Quốc hội.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam


Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Trí Chinh, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội phạm về môi trường theo luật hình sự Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010
  2. Bộ Tư pháp, Dự thảo Luật Hình sự sửa đổi, 2015
  3. Quốc Hội, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung, 2009