ThienNhien.Net – Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được pháp luật ghi nhận lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993 và được đề cập rõ hơn tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 rồi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Tuy nhiên, khác với nhiều loại thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật khác gây ra, thiệt hại do các hành vi vi phạm về môi trường có những đặc thù cần được đặc biệt lưu ý trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi các bộ luật về hình sự và dân sự đang được thảo luận sửa đổi tại Quốc hội.
Bổ sung loại thiệt hại liên quan đến suy giảm chức năng môi trường
Điều 163 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 quy định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm: (i) suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; (ii) thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chỉ xác định các loại thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 587); thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 588); thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 589); thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm (Điều 590).
Đáng chú ý là theo quy định về tài sản tại Điều 105 và quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm hại tại Điều 587 của Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, môi trường không phải là tài sản và thiệt hại cho môi trường không phải là thiệt hại thuần túy về tài sản được liệt kê. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất giữa Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi và Luật Bảo vệ Môi trường, qua đó đảm bảo quyền và nghĩa vụ đòi bồi thường của Nhà nước, của chủ thể đại diện quyền sở hữu toàn dân đối với các thành phần môi trường, cần bổ sung quy định về loại thiệt hại “suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường” trong Chương XIX Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.
Bổ sung mô hình khiếu kiện tập thể
Hầu hết các vụ vi phạm xảy ra trong thời gian qua cho thấy số lượng người bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường thường rất lớn. Đơn cử như Công ty TNHH Vedan xả thải gây ảnh hưởng tới hơn 5000 hộ thuộc ba tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu hay Công ty Sonadezi Long Thành bị hàng trăm hộ dân gửi đơn kiện đòi bồi thường vì xả thải gây ô nhiễm hoặc gần đây là vụ Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hàng chục nghìn tấn thuốc trừ sâu khiến gần 900 hội viên Hội Nông dân đệ đơn lên tòa.
Với các vụ vi phạm mang đặc trưng người thiệt hại là số đông này, nếu từng chủ thể bị thiệt hại là nguyên đơn trong một vụ kiện thì việc xét xử sẽ bất khả thi bởi số lượng vụ kiện quá nhiều trong khi khả năng xét xử có hạn. Do đó, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có quy định về vấn đề đại diện theo ủy quyền (từ Điều 142 đến Điều 147 – tương ứng với Chương IX của Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi). Cụ thể, những người bị thiệt hại là số đông có thể ủy quyền cho một hoặc một số người tham gia tố tụng theo quy định, trong đó, nội dung, phạm vi thẩm quyền đại diện và trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền được xác định thông qua sự thỏa thuận giữa người được đại diện và người đại diện. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền (quy định tại Điều 74, khoản 2 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 – tương ứng Điều 82 Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi).
Tuy nhiên, vấn đề “ủy quyền hoàn toàn” hay “ủy quyền toàn bộ” hay chỉ “ủy quyền tham gia tố tụng” cũng là điều rất cần được xem xét. Nếu thực hiện theo phương án “ủy quyền hoàn toàn” thì có thể dẫn đến sự lạm quyền của người được ủy quyền. Còn phương án “ủy quyền tham gia tố tụng” thì sẽ dẫn tới tình trạng người được ủy quyền phải xin ý kiến những người ủy quyền, có thể là rất nhiều lần và khi số lượng người bị thiệt hại lớn thì có thể có những quan điểm khác nhau trong việc giải quyết cùng một vấn đề. Điều này có thể khiến hoạt động ủy quyền nảy sinh nhiều phức tạp về mặt pháp lý khi người được ủy quyền xin ý kiến những người ủy quyền về một vấn đề nào đó nhưng có những ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập lợi ích. Lúc này, người được ủy quyền sẽ phải từ chối việc nhận ủy quyền của một trong những nhóm có lợi ích đối lập – theo quy định tại Điều 75, khoản 1, điểm b Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, tương ứng Điều 84, khoản 2 điểm b Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi.
Xuất phát từ những khó khăn của người dân trong việc yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do các hành vi ô nhiễm môi trường gây ra – điển hình là trường hợp Công ty TNHH Vedan xả thải trái phép, từ năm 2009, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã khởi xướng một nghiên cứu về quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường ở Việt Nam. Nghiên cứu thực hiện rà soát các quy định pháp luật liên quan để đưa ra những phân tích, đánh giá và khuyến nghị liên quan. Báo cáo do một số chuyên gia về luật môi trường thuộc Đại học Luật Hà Nội soạn thảo và được PanNature bổ sung, biên tập. Báo cáo xuất bản năm 2009 và tiếp tục được cập nhật vào năm 2011 – mời Quý độc giả tham khảo chi tiết tại đây. |
Giải pháp cho vấn đề này là trong trường hợp người bị thiệt hại có số lượng lớn, có thể cần tới một cơ chế ủy quyền đặc thù trong việc giải quyết các trường hợp về bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra. Cụ thể: cần xem xét và bổ sung mô hình “khiếu kiện tập thể” trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi và Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi – hình thức vốn được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Indonesia, Philippin… và từng được nhiều nhà khoa học đề xuất (Vũ Thu Hạnh, 2004) trước đó.
Tòa không được từ chối vụ án vì lý do chưa có chứng cứ
Thực tế các vụ khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường thời gian qua cho thấy với những hạn chế về nhận thức, hiểu biết và khả năng tài chính, phần lớn người bị thiệt hại (chủ yếu là người dân) đều không thể đưa ra chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình nếu cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện trách nhiệm trong việc xác định hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả gây ô nhiễm cũng như xác định thiệt hại do hành vi vi phạm đó (quy định tại các Điều 107, khoản 1 điểm c; Điều 111, khoản 2 và Điều 164 khoản 1 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014).
Mặc dù Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi cũng quy định trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án (tại Điều 6) và quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ của tổ chức, cá nhân, bao gồm cả người bị hại (tại Điều 94, khoản 1 điểm e) khi đương sự có yêu cầu, tuy nhiên, rất có thể tòa án sẽ từ chối tiếp nhận đơn kiện và thụ lý vụ án khi nhận thấy đương sự không có chứng cứ chứng minh. Điều đáng nói, đây là trường hợp khá phổ biến trong những vụ án dân sự trong lĩnh vực môi trường và hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra bởi Điều 4, khoản 2 Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự chỉ quy định “tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” chứ không nêu “tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do đương sự chưa có chứng cứ chứng minh”. Do đó, cần bổ sung Điều 4, khoản 2 Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự theo hướng “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng hoặc vì lý do đương sự chưa có chứng cứ chứng minh”.
TS. Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
- Tòa án Nhân dân tối cao, Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, 2015
- Bộ Tư pháp, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, 2015
- Quốc hội, Luật Bảo vệ Môi trường, 2014
- Vũ Thu Hạnh, Luận án Tiến sĩ Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Việt Nam, Đại học luật Hà nội, 2004