ThienNhien.Net – Làm sao giữ được yên bình cho dòng sông Mê Công, hướng tới sự công bằng, an ninh nguồn nước trong khu vực là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo “Viễn cảnh Mê Công: Thay đổi và kỳ vọng”, diễn ra hôm qua (29/10).
Cần chia sẻ, hợp tác
Sự nguyên vẹn của dòng sông Mê Công phía hạ lưu đã chấm dứt kể từ khi công trình thuỷ điện Xayaburi (Lào) được khởi công năm 2012. Động thái phát triển đập thuỷ điện trên dòng sông Mê Công trong những năm vừa qua đã dấy lên nhiều thảo luận và quan ngại về tương lai của lưu vực. Các công trình thủy điện, những dự án dòng chính khác đang là các nhân tố có thể tạo ra nhiều thay đổi về xã hội, kinh tế, địa chính trị và hợp tác phát triển trong khu vực.
GS.TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi chia sẻ: Hợp tác về nước khó khăn vì nước không thể chia cắt, không phân được ranh giới. Người ta chỉ nói sở hữu đất chứ không nói sở hữu nước.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra tại Hội thảo: Vì sao hợp tác về nước giữa các quốc gia chưa được mạnh mẽ như chính trị? Tại sao thế giới quan tâm về nước nhưng vẫn chưa giải quyết được?
Theo ông Nguyễn Hồng Toàn – nguyên Tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Công VN: Xu thế phát triển là tất yếu, chúng ta không thể đứng ngoài, nhưng phải phù hợp với bảo vệ môi trường. Bây giờ các nước thượng nguồn phát triển tác động đến cái “Trời cho”, thì phải có cơ chế cùng chia sẻ, phù hợp với hội nhập hiện nay. Tháng 12 Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, chúng ta lại có cơ chế các tỉnh biên giới phát triển với nhau, nhưng Ủy hội Sông Mê Công cứ đứng đơn độc thì không được. Rất nhiều lưu vực sông quốc tế đều có cơ chế chia sẻ lợi ích và chi phí, đó chính là bài toán đặt ra cho các nhà hoạch định, kỹ thuật. Ví dụ Việt Nam có thể có cơ chế hợp tác vùng biên giới hay không, hợp tác với Campuchia được không? Vị trí Việt Nam rất quan trọng, phải xem xét phục vụ cho hợp tác Mê Công thế nào.
Ông Toàn kiến nghị thêm: Cần phải lồng ghép hợp tác Mê Công với các sáng kiến hợp tác khác, về chính trị cam kết rất mạnh nhưng không thể không cam kết về nguồn nước. Sức mạnh của các bên liên quan, các tổ chức, cơ quan nhà nước, chính sách quốc gia thì lúc đó chúng ta mới có lưu vực sông Mê Công bền vững được…
TS Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao cũng tỏ rõ sự băn khoăn khi nói về động thái phát triển mới trên sông Mê Công và tác động lên hợp tác khu vực: Hiện nay, các hoạt động dọc theo bờ sông Mê Công đã giảm rất nhiều do sự kết nối hạ tầng cơ sở. Để duy trì chợ nổi về mục đích du lịch đã phải đầu tư rất nhiều tiền, từ quy hoạch đến giảm thuế. Nếu tiếp tục phát triển như thế này có lẽ chợ nổi truyền thống không còn nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân.
Hay việc phát triển chuỗi giá trị khu vực thông qua tầm nhìn công nghiệp cũng có tác động sâu rộng. Nguy cơ các tỉnh không những ở Việt Nam mà Lào, Campuchia nếu muốn phát triển bằng mọi giá, nhất là các khu công nghiệp dọc sông này mở ra thì nguy cơ ô nhiễm xả thải, nguy cơ sạt lở do khai thác cát, nguyên vật liệu cũng ảnh hưởng rất lớn… Đã đến lúc các quốc gia, chiến lược vùng của các quốc gia phải có sự đánh giá cụ thể. Trong vài năm tới đây nếu chúng ta không có chiến lược phát triển bền vững, không có sự phối hợp, đánh giá tổng thể trước hết là thông tin sau là hoạch định chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương sẽ rất khó trong thời gian tới…
Nâng cao vai trò Ủy hội sông Mê Công
Trước những thách thức lớn, GS.TS Vũ Trọng Hồng lên tiếng: Tôi đề nghị Ủy ban Mê Công Việt Nam phải cải tổ lại, phải có phương pháp làm việc dựa trên công ước về nước của Liên hợp quốc, đề xuất những điểm có thể chấp nhận nhưng cần có thái độ tích cực hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Nhân Quảng – chuyên gia Quản lý lưu vực sông cho biết: Rất nhiều cam kết luôn nói là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong khu vực Mê Công này. Cộng đồng quốc tế, các tổ chức cũng rất quan tâm. Rất nhiều điều kiện tốt để thúc đẩy hợp tác Mê Công. Nhưng cũng có khía cạnh khác là bức tranh hơi màu xám một chút, tại sao hiện nay nhiều quan ngại nảy sinh.
Nhiều người ca ngợi Ủy hội Sông Mê Công rất hay trong hợp tác khu vực, nhưng vào thực tế đời thường thì rõ ràng chưa đi đôi với nhau. Ở đây chúng ta có cơ chế trao đổi trước, cho thời gian đánh giá về tài liệu kỹ thuật. Nhưng cái gọi là tinh thần Mê Công thì có bị vi phạm, sự hợp tác vì quyền lợi quốc gia đã bị át.
Mặc dù Ủy hội sông Mê Công đã đưa ra chỉ dẫn thiết kế cho đập thủy điện, nhưng thiết kế như thế nào, khi nào xây dựng và ở đâu? Những tác động của dự án thủy điện cần có sự đánh giá rất đầy đủ. Cho nên tôi nghĩ cơ chế trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch của Ủy hội Sông Mê Công cần đẩy mạnh, làm sao thực thi nghiêm túc Hiệp định sông Mê Công. Làm thế nào có sự đồng đều trong thực hiện cũng là thách thức rất lớn…