ThienNhien.Net – “Để ngăn ngừa và kiểm soát các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra, việc cần thiết là cộng đồng các nước ASEAN cần phải chung tay thực hiện các hành động thiết thực và hiệu quả hơn. Hợp tác ASEAN, ASEAN+3 về môi trường không nên chỉ dừng lại ở việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm mà thay vào đó cần phải tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và các nguồn lực cần thiết.”
Đây là một trong những kiến nghị vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đưa ra tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 và chuỗi các hội nghị liên quan do Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan đầu mối của Việt Nam) phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức vào chiều 28/10, tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, trong những năm gần đây, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường của các quốc gia thành viên ASEAN đã được tăng cường, qua đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp thực hiện nhiều hoạt động về môi trường có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đã tổ chức thành công nhiều diễn đàn và hoạt động hợp tác khu vực trên nhiều lĩnh vực như: Biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, quản lý môi trường biển và đới bờ, kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường; đồng thời cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đô thị hài hòa trong sự bền vững về môi trường.
Trong quá trình hợp tác ASEAN, các nước thành viên cũng đã và đang nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quan trọng từ các quốc gia đối tác, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng lưu ý, những kết quả nêu trên mới chỉ là bước khởi đầu quan trọng. Vì vậy, để ngăn ngừa và kiểm soát các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra, việc cần thiết là cộng đồng các nước ASEAN cần phải chung tay thực hiện các hành động thiết thực và hiệu quả.
“Trong bối cảnh tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và suy thoái, ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, các quốc gia thành viên cần tiếp tục giành sự quan tâm và phối hợp thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hơn để giảm nhẹ các tác động, ứng phó với các vấn đề môi trường đang nổi lên trong khu vực,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, ngày nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước đã trở thành vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu, không một quốc gia hay cường quốc nào đủ sức giải quyết mà cần có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Đối với Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu về bảo vệ môi trường, nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở một số khu vực, thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề. Tài nguyên thiên nhiên vẫn đang bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.
Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong mười năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Đây là cảnh báo rất nghiêm khắc, khi trên thực tế vẫn còn tình trạng các lợi ích phát triển kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, lâu dài.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường cần phải có phải có nguồn lực không nhỏ, trong khi nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn hẹp. Trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Việt Nam coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, hướng tới người dân phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe thể chất của nhân dân.
Chính vì thế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị các Bộ trưởng Môi trường ASEAN và các đối tác ASEAN+3 lần này sẽ đề ra định hướng và những chương trình hợp tác cụ thể nhằm đảm bảo bền vững về môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện thành công chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững tầm nhìn hướng tới năm 2030 của Liên Hợp quốc.