ThienNhien.Net – Từ trước đến nay, trong luật hình sự của Việt Nam, chủ thể của tội phạm luôn chỉ là các cá nhân. Việc dự thảo BLHS sửa đổi lần này lần đầu tiên đề xuất quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự vì vậy thực sự là một bước chuyển quan trọng về nhận thức lý luận cũng như thực tiễn pháp luật hình sự.
Tội phạm hóa đối với hành vi của pháp nhân
Dự thảo BLHS sửa đổi đã chính thức đưa việc hình sự hóa (tội phạm hóa) đối với các hành vi nguy hiểm của pháp nhân, nghĩa là pháp nhân cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm và bị xử lý trách nhiệm hình sự. Đây là sự thay đổi vô cùng cần thiết, là một sự nhìn nhận có trách nhiệm về vấn đề này trong bối cảnh các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ được gây ra bởi các cá nhân mà còn có sự tham gia của các chủ thể là pháp nhân – tổ chức có tư cách độc lập với các chủ thể khác trong các quan hệ mà nó tham gia.
Thực tế cho thấy rất nhiều hoạt động của các pháp nhân đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống xã hội như gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại rừng… ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đến hoạt động sản xuất và hệ sinh thái một cách lâu dài, không chỉ của một thế hệ, trong khi nguồn ngân sách thu lại không thể bù đắp chi phí khắc phục. Đây là những hậu quả mà một cá nhân bình thường khó có thể gây ra.
Trước đây, một trong những căn cứ để xây dựng định nghĩa về tội phạm là dấu hiệu có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Theo đó, có quan điểm cho rằng “Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Hành vi nào đó sở dĩ bị quy định trong luật hình sự là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự vì nó có tính nguy hiểm cho xã hội” và “Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là căn cứ để phân biệt hành vi là tội phạm với những hành vi vi phạm khác, còn là cơ sở để đánh giá mức độ nghiêm trọng nhiều hay ít của hành vi phạm tội”. (ĐH Luật Hà Nội, 2015). Như vậy, việc không thừa nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm và không xử lý trách nhiệm hình sự của loại chủ thể này khi có hành vi gây nguy hiểm vô hình trung đã chấp nhận thực trạng là hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội nhưng lại không bị coi là tội phạm. Ở đây có hai câu hỏi đặt ra: Thứ nhất, đó phải chăng là sự bất công khi cùng là hành vi nguy hiểm đáng kể mà một hành vi bị xử lý hình sự, một hành vi chỉ bị xử lý hành chính bởi một hành vi do một chủ thể là cá nhân thực hiện còn một hành vi là pháp nhân thực hiện. Vậy nguyên tắc công bằng của pháp luật nằm ở đâu? Thứ hai, liệu tính chất răn đe của BLHS còn có ý nghĩa hay không khi các hành vi nguy hiểm không bị trừng trị bởi một chế tài xứng đáng nhằm khôi phục các hậu quả khi trật tự pháp luật bị xâm hại và để răn đe đối với các nguy cơ xảy ra các hành vi tương tự?
Quy định hiện hành vô hình trung đã tạo nên một nguy cơ trực tiếp là sự bức xúc của xã hội và sự khinh nhờn pháp luật của các pháp nhân, vì nếu chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt như hiện nay, các pháp nhân hoàn toàn có thể “chịu đựng” được. Điều này cũng tạo ra nguy cơ lâu dài là nếu pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự thì nhiều cá nhân vì lợi ích ích kỷ của mình sẵn sàng thành lập các pháp nhân để vi phạm và chịu xử lý hành chính. Điều này hoàn toàn khả thi trong điều kiện Luật doanh nghiệp hiện hành công nhận loại hình công ty TNHH một thành viên, một hình thức mà các cá nhân rắp tâm “lách luật hình sự” có thể lập ra để lợi dụng. Nên nhớ rằng đằng sau các hành vi này là việc trục lợi bất chính vô cùng lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây hậu quả lâu dài và tác động trên quy mô rộng lớn, ảnh hưởng tới nhiều người.
Thêm nữa, điều đặc biệt cần lưu ý là pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn đăng ký kinh doanh của các thành viên nên khả năng chịu trách nhiệm về hậu quả mà nó gây ra như bồi thường thiệt hại, khôi phục tổn hại, truy thu những gì bị thất thoát là gần như không đáng kể. Do vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có ý nghĩa răn đe đặc biệt cao nhằm loại trừ các nguy cơ này.
Pháp nhân với tội phạm xâm hại môi trường
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, mỗi năm toàn lực lượng phát hiện khoảng 5-6 ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số hơn trăm, thậm chí có năm chỉ là hàng chục (Bình An, 2015). Điều này cho thấy tình hình xử lý tội phạm môi trường hiện nay chưa theo kịp thực tế hoạt động xâm hại môi trường. Trong khi đó, những vụ việc gây ra bức xúc nhất với mức độ tác động sâu rộng, lâu dài nhất thì chủ thể gây ra phần lớn lại là pháp nhân. Đây là một lỗ hổng lớn của pháp luật hiện hành khiến cho việc thực thi công lý về môi trường khó được thực hiện trong thực tế. Có thể nhìn thấy điều này rất rõ khi nhìn lại một số vụ xâm hại môi trường điển hình trong thời gian vừa qua.
Vụ việc xử lý hoạt động gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải (tỉnh Đồng Nai) của Công ty bột ngọt Vedan có thể coi là một minh chứng cho sự thiếu “bàn tay sắt” của nhà nước khi công cụ pháp lý hiện hành tỏ ra bất lực khi không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong khi biện pháp xử lý hành chính theo pháp luật lại quá nhẹ. Kết quả là, nếu cân nhắc được – mất giữa việc Công ty này nộp thuế cho ngân sách với những thiệt hại đã xảy ra cho người nông dân và chi phí cho khôi phục lại trạng thái ban đầu của sông Thị Vải trước khi bị “đầu độc” thì cả nhà nước, xã hội và người dân trong vùng cùng bị “lỗ” quá nặng. Điều này xuất phát từ việc không có điều kiện nào ràng buộc được Công ty Vedan trong khi căn cứ để xác định mức bồi thường cho những người dân vùng hạ lưu sông bị thiệt hại là rất khó xác định. Rốt cuộc, vụ việc chỉ được giải quyết nhờ sự lên tiếng của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng. Đây là điều đáng hổ thẹn vì nhà nước với tư cách là người đại diện cho lợi ích chung, là người có quyền lực nhưng lại từ chối cơ hội để thực hiện quyền lực của mình khi không quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân.
Ở một khía cạnh khác, có thể nhắc đến vụ việc chôn lấp chất thải độc hại của Công ty TNHH Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa khi bàn đến thời hiệu xử lý vi phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hành chính đối với hành vi chôn lấp thuốc BVTV hết hạn sử dụng và các chất thải nguy hại tại khu vực xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái đã không thể thực hiện được vì hành vi này đã diễn ra trước tháng 5/2009, nhưng đến ngày 27/8/2013 mới bị phát hiện. Nếu căn cứ vào điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là 2 năm, thì hành vi chôn lấp thuốc BVTV hết hạn sử dụng và các chất thải nguy hại tại khu vực xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái đã hết thời hiệu (qua 4 năm 5 tháng) do đó chỉ có thể áp dụng quy định thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Rõ ràng, nếu hành vi này được “tội phạm hóa”, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đã có thể thực hiện vì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thấp nhất cũng là 5 năm. Tóm lại, có một điều chắc chắn là các chủ thể có hành vi xả chất thải, nhất là chất thải độc hại thì luôn tìm mọi cách để che giấu hành vi đen tối và xấu xa của mình. Nếu không có các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ cao thì rất khó phát hiện sớm để xử lý và khi phát hiện ra thì hậu quả thường đã rất lớn hoặc chủ thể vi phạm (nhất là các nhà đầu tư nước ngoài) đã “cao chạy xa bay”. Việc xử lý hành chính vì vậy sẽ không bao giờ thực hiện được đối với những trường hợp này, nhưng nếu là xử lý hình sự, việc dẫn độ tội phạm là hoàn toàn có thể.
Dù đã có những nỗ lực nhất định trong việc xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ môi trường, song hiệu quả thực thi các chính sách này ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Đâu là cốt lõi của vấn đề? Ấn phẩm “Thực thi chính sách pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh tư pháp” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) xuất bản tháng 4/2015 đã mô tả, phân tích từng vấn đề bất cập trong cơ chế xử lý vi phạm hành chính; những khó khăn trong khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng như khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài tố tụng; vấn đề xử lý hình sự đối với tội phạm môi trường. Từ những phân tích được đúc rút, Ấn phẩm cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến cải cách tư pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Quý độc giả quan tâm vui lòng xem tại đây. Trước và sau khi Ấn phẩm được xuất bản, PanNature cũng tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến chủ đề này, đặc biệt là trong năm 2014. Vui lòng tham khảo thêm các tư liệu tại đây. |
Trường hợp Công ty CP thuộc da Hào Dương xả thải không qua xử lý ra môi trường nhiều lần mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính và vụ việc lại do UBND Tp. HCM thụ lý theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có nhiều điều đáng bàn. Bất cứ ai quan tâm đến vấn nạn xả thải không qua xử lý ra môi trường cũng đều rất bức xúc trước các vi phạm của Công ty này. Việc chỉ bị xử lý hành chính làm cho Công ty này “nhờn thuốc” và không cải thiện thái độ đối với môi trường. Điều này đồng thời cũng gây ra sự phẫn nộ của dư luận và dấy lên sự nghi ngờ về năng lực cũng như tư cách của những người thực thi công vụ ở Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM. Nếu BLHS quy định pháp nhân có thể chịu trách nhiệm hình sự thì người vào cuộc sớm để giải quyết vụ việc này là các cơ quan tố tụng và vụ việc sẽ được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn, không để vi phạm tiếp tục diễn ra và kéo dài, để lại hậu quả ngày càng lớn như đã xảy ra. Ngoài ra, khi vụ việc được giải quyết theo quy trình tố tụng chứ không phải trình tự thủ tục hành chính thì phán quyết của tòa án sẽ là phán quyết cuối cùng và được tiến hành theo quy trình phức tạp, với sự kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ của Viện kiểm sát. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi đó sẽ không thể một mình “tự tung tự tác” như khối các cơ quan hành chính với các công vụ này. Trong điều kiện chế tài hành chính không còn tác dụng về cả hai phương diện trừng phạt và răn đe, điều này sẽ khiến các pháp nhân vi phạm không có cơ hội tiếp tục lặp lại sai phạm.
Hiện nay, trong nhóm các pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, các tội phạm liên quan đến xâm hại môi trường được Dự thảo sửa đổi đề xuất trong điều 76 bao gồm: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 231); tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (Điều 232); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 236); tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 239); tội hủy hoại rừng (Điều 240); và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 241). Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân xâm hại môi trường theo đề xuất của Dự thảo là vô cùng cần thiết và kịp thời nhằm hướng tới việc thực hiện Điều 43, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” và đồng thời đáp ứng được các yêu cầu của phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng riêng đối với vấn đề thời hiệu xử lý các tội phạm cho pháp nhân, đặc biệt là với tội phạm liên quan đến môi trường, do tính chất đặc biệt về nguy cơ để lại hậu quả lâu dài cũng như khả năng che giấu hành vi phạm tội rất cao thì thời hiệu khởi kiện nên được kéo dài hơn so với các loại tội phạm có cùng khung hình phạt. Việc quy định như vậy sẽ có tác dụng răn đe và có cơ sở để xử lý đối với các tội phạm về môi trường, phát huy được giá trị của BLHS trong điều kiện mới.
Ngoài ra, hậu quả đối với pháp nhân trong nhiều trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động ở các pháp nhân này và khi đó vấn đề lợi ích của người lao động là rất khó giải quyết. Do vậy, khi đặt ra các biện pháp trách nhiệm hình sự cho pháp nhân phải đặc biệt chú ý đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, cần chuyển các loại tiền truy thu từ việc hưởng lợi bất chính từ các hoạt động vi phạm và tiền phạt mà các pháp nhân vào ngân sách nhà nước để giải quyết hậu quả của việc xử lý hình sự đối với pháp nhân. Các chế tài hình sự cũng nên hướng vào vấn đề lợi ích theo hướng là mức phạt phải luôn cao hơn mức hưởng lợi do vi phạm. Điều này giúp luật có tác dụng răn đe và ngăn chặn vi phạm tiếp tục xảy ra, nhất là đối với các cá nhân lợi dụng việc không xử lý hình sự đối với pháp nhân để thành lập các công ty TNHH một thành viên nhằm trục lợi từ việc khai thác và hủy hoại môi trường.
Th.S. Bùi Xuân Phái, Đại học Luật Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tư pháp, Dự thảo BLHS sửa đổi, 2015
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2015
- Bộ Tư Pháp, Báo cáo thẩm định BLHS (sửa đổi), ngày 13/02/2015
- Bộ Tư pháp, Báo cáo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS năm 1999, ngày 12/02/2015
- Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và cấu thành tội phạm, NXB CAND, Hà Nội, 2010
- Bộ Tư pháp, Tổng hợp ý kiến Bộ, Ngành đối với dự thảo BLHS lấy ý kiên nhân dân, 2015
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2015
- Bình An, Thi hành BLHS: Bất lực với tội phạm môi trường?