ThienNhien.Net – Nếu bạn có dịp đi Mộc Châu, Sơn La nên một lần ghé qua bản Hua Tạt. Nơi đó có một nhà sàn nhỏ xinh dành cho khách du lịch, hoang sơ nhưng thân thiện và trong trẻo như mây, như núi, như nụ cười người H’Mong…
Thông thường khách du lịch thường lên thẳng thị trấn Mộc Châu để thăm các đồi chè, rừng hoa mận, hoa tam giác mạch… Có một địa chỉ ít ai biết tới đó là Hua Tạt, một bản nhỏ của người H’Mong nằm nép bên dãi núi cách Mộc Châu hơn chục km. Đường vào bản khá dễ tìm bởi ngay ven đường quốc lộ đã có cổng chào dẫn đến bản.
Đến Hua Tạt có chỗ nghỉ duy nhất cho đoàn khách khoảng từ 20- 30 người là nhà sàn của Tráng A Chu. A Chu là thanh niên H’Mong thuộc thế hệ 8x dám nghĩ, dám làm. A Chu từng học Cao đẳng Bách khoa chuyên ngành công nghệ thực phẩm, sau nhiều năm lăn lộn chốn thị thành, A Chu quyết tâm về bản mình để làm du lịch.
“Người ta làm được, Chu cũng làm được”
Nhà sàn của A Chu đang quản lý nằm sát nhà văn hóa xã, khuôn viên nhỏ gọn xinh xắn nhưng lại cởi mở thân thiện không chỉ với khách du lịch mà với toàn bộ dân trong bản. Bên tách trà xanh vừa hái sau vườn, A Chu niềm nở: “Nhà sàn của chúng em mới đưa vào hoạt động cuối tháng 8 vừa qua, cũng chưa khai trương đâu nhưng cứ túc tắc lúc nào cũng có khách. Ở đây các anh chị cứ tự nhiên, cần gì thì gọi A Chu nhé”.
Trong lúc A Chu theo học tại Hà Nội thì nghe tin bố bị bệnh thận. Sau những chuỗi ngày long đong đi làm thuê ở nhiều nơi nhưng cũng không đủ tiền chạy thận cho bố, A Chu nghĩ mình phải làm chủ mới có tiền dưỡng bệnh cho bố. Gần nhất là lên Mộc Châu xem người ta làm du lịch thế nào.
A Chu thấy làm du lịch không khó, đặc biệt là khách du lịch lên vùng cao chủ yếu để khám phá bản sắc văn hóa nơi đây. A Chu thấy bản mình đẹp và thân thiện chắc cũng làm du lịch được. Nhưng càng tìm hiểu kỹ, A Chu càng thấy điều thiếu nhất ở vùng cao là những tiện nghi cơ bản để phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của khách du lịch vốn ở nơi đô thị đã quen. Nhưng để có được những tiện nghi đó thì đòi hỏi số vốn đầu tư lớn. Với đôi tay lấm lem còn đang xoay sở đi làm thêm thì khó quá.
Khó, nhưng A Chu bảo người ta làm được thì Chu cũng làm được. Khi có một dự án xây dựng du lịch theo phong cách “homestay” về bản Hua Tạt, A Chu nhiệt tình tham gia. Dự án dựng nên một nhà sàn rộng với các tiện nghi về vệ sinh, dịch vụ rất cơ bản. Mô hình dự án đã xong, thời điểm dự án kết thúc, cần có người dân địa phương để chuyển giao… A Chu thấy đây là cơ hội tốt để bắt tay vào dự án.
A Chu nhận chuyển giao dự án với số tiền đầu tư khá khổng lồ với Chu lúc đó, gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên, sự mạnh dạn nhiệt tình cùng với cách tư duy thiết thực của Chu đã thuyết phục được lãnh đạo địa phương và các cán bộ dự án cùng đồng hành khi nhận chuyển giao. A Chu tính với thu nhập hiện nay từ nhà sàn, chỉ 3 năm nữa A Chu sẽ trả hết nợ và sống được với khu du lịch nhỏ xinh của mình.
Đừng xây tường bao ở bản
Sau khi nhận quản lý nhà sàn, Chu đã kết nối với hệ thống thống du lịch homestay của Công ty CBT Travel. Chu kể, khi làm với bác Dương Minh Bình (Giám đốc CBT Travel), Chu học được nhiều hơn và kỹ càng hơn về hình thức du lịch này. Cộng với những tháng ngày quan sát về việc làm du lịch ở Mộc Châu, Chu về làm đẹp hơn cho bản mình để thu hút khách. Chu còn khoe: “Vì mới làm nên bác Bình bảo sẽ giới thiệu khách về hộ, không phải trả tiền. Sau này nếu làm ăn được thì mới phải chia tiền cho công ty du lịch”.
A Chu nghĩ, dù đẹp mấy, tiện nghi mấy nhưng phải giữ được hồn của bản Hua Tạt. Chu thấy nhiều nơi làm khu du lịch trong các bản vùng cao cứ xây tường vây bằng gạch, Chu không thích và bản Hua Tạt cũng không có nhà ai xây như vậy. Những nóc nhà cách nhau chỉ bằng bụi chè hoặc những cây hoa rừng nhỏ nhắn. Văn hóa ở Hua Tạt và ở nhiều bản làng khác cũng như vậy, tối lửa tắt đèn có nhau.
Nhà sàn của Chu cũng được bao quanh bởi rặng chè xanh mát, sáng sáng, vợ Chu hái lá về hãm nước chè thơm dịu mời khách. Từ ngày Chu nhận quản lý nhà sàn, bên cạnh việc đi làm rẫy, cả nhà đều tập trung vun vén cho cơ ngơi này. A Chu làm quản lý, vợ Chu làm lễ tân, còn anh trai A Pủa thì phụ trách nấu ăn, con cháu trong nhà, trong bản rảnh việc nương lại sang đỡ việc phục vụ dọn dẹp. Tối đến những “nhân sự” này lại hóa thân thành những nghệ sỹ uyển chuyển trong những điệu múa, tiếng sáo, tiếng khèn… của người H’Mong.
A Chu nói cũng tiếc nhiều nét văn hóa đặc sắc của người H’Mong đang bị mai một. Ví như chợ tình, ngày xưa thanh niên H’Mong háo hức chờ mong lắm, nhưng khi vùng cao phát triển du lịch thì có nhiều “biến tướng” khiến người dân H’Mong không còn muốn đến chợ tình.
“Đến chợ tình mà cứ dựng cái xe cũng thu tiền thì chẳng ai còn muốn đến, nếu Chu làm có thể sẽ thu phí vào chợ nhưng khi người ta vào chợ rồi thì hãy để người ta tự nhiên giao lưu. Như vậy người ta có quyền lựa chọn và được tự do giao lưu ở phiên chợ ấy”.
Trong lúc A Chu ngồi nói chuyện về những trăn trở làm du lịch ở Hua Tạt, A Pủa nói đã nhóm lửa trại rồi, mọi người ra nướng khoai nướng ngô thôi. A Chu đứng dậy ngắt một chiếc lá và ngân lên những giai điệu vi vút nói về những sinh hoạt của người H’Mong. Bên ánh lửa trại bập bùng, tụi trẻ con trong bản kéo nhau về ngồi quây quần trò chuyện ríu rít. A Chu kể chuyện nhà của mấy đứa trẻ, cả bức tranh Hua Tạt hiện lên trong lành mà ấm áp…