ThienNhien.Net – Chiều 23/10, tại Câu lạc bộ Mỹ (American Club), Hà Nội, 8 đại sứ tê giác – là học sinh ưu tú đến từ Hoa Kỳ và Nam Phi cùng với hàng trăm bạn trẻ Việt Nam đã tham gia vào chương trình tiếp cận cộng đồng, nhằm trao đổi kiến thức để cùng nhau “ngăn chặn” tội phạm động vật hoang dã và bảo vệ loài tê giác khỏi bờ vực tuyệt chủng.
Chương trình tiếp cận cộng đồng này nằm trong chuỗi chiến dịch “Cùng hành động tạo sự thay đổi” (Operation Game Change) khởi động hồi tháng 3/2015 bởi Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
Tại chương trình, 8 đại sứ tê giác đến từ Hoa Kỳ và Nam Phi đã gửi những thông điệp mạnh mẽ từ tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới về tê giác và chuyển giao cuốn sách bảo vệ tê giác tới Việt Nam, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, chống lại nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại sứ tê giác đến từ Hoa Kỳ, Nam Phi và hàng trăm bạn trẻ Việt Nam đã tham giao vào chiến dịch một triệu dấu chân in trên giấy, vẽ tranh với các thông điệp có ý nghĩa về bảo vệ động vật hoang dã và nói không với sừng tê giác…
Đến dự và phát biểu tại chương trình, ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, chương trình tiếp cận cộng đồng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về việc bảo vệ loài tê giác. Đó cũng là cách làm cụ thể để “làm cho tiếng nói của bạn được lắng nghe.”
Về phần mình, “tôi lắng nghe gợi ý của các bạn trẻ trong chiến dịch một triệu dấu chân in trên giấy. Việc làm của các đại sứ tê giác đến từ Hoa Kỳ, Nam Phi và các bạn trẻ Việt Nam cũng đã cho thấy sự cam kết mạnh mẽ là không sử dụng, không nhận và không tặng sừng tê giác.”
Trong khi đó, ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) nêu thực tế: “Trước đây, sừng tê giác được coi như phương thuốc chữa bách bệnh, thế nhưng, giờ đây khoa học đã chứng minh sừng tê giác cũng như móng tay con người, nó không phải là thần dược và không có công dụng để chữa bệnh.”
Chính vì thế, tại chương trình, thay mặt cho thế hệ trẻ Việt Nam, ông Lý đã bày tỏ quyết tâm “chung tay” cùng các đại sứ tê giác đến từ Hoa Kỳ và Nam Phi truyền tải các thông điệp bảo vệ tê giác tới cộng đồng, cũng như cam kết không sử dụng, không nhận và không tặng sừng tê giác.