Tăng cường giám sát và phản biện xã hội để chống tham nhũng

ThienNhien.Net – Ngày 26-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tổ chức góp ý với chủ đề “phát huy dân chủ trong thời kỳ Internet, đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), giám sát và phản biện xã hội”. Đây là buổi hội thảo cuối cùng trong chuỗi hội thảo mà MTTQ phối hợp với 2 viện hàn lâm và các cơ quan liên quan góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII theo từng chủ đề.

Chuyển từ nghi ngại sang chủ động nắm bắt dư luận

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật dù trải qua thời kỳ nào. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia, từng khu vực có sự phát huy dân chủ khác nhau, nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế hội nhập toàn cầu thì phát triển dân chủ là điều tất yếu. Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, dân chủ càng có điều kiện để phát huy dù phương thức ở mỗi quốc gia là khác nhau.

Ảnh minh họa: trithucvaphattrien.vn
Ảnh minh họa: trithucvaphattrien.vn

Hầu hết ý kiến tại buổi hội thảo đều khẳng định, dân chủ là xu thế tất yếu của mỗi quốc gia. Theo GS-TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), những khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc” được đông đảo cán bộ và nhân dân trong nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế, kể cả những người gần đây thường có tiếng nói trái chiều đón nhận với tâm trạng tích cực, đánh giá cao, đặt nhiều hy vọng. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII trên cơ sở ghi nhận những kết quả tích cực nhiều mặt cũng như nhận định trực diện những yếu kém về thực trạng dân chủ ở Việt Nam đã dành hẳn một chương (chương XIII) để trình bày những tư tưởng định hướng về “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân” trong thời gian tới.

“Chúng tôi nghĩ rằng những tư tưởng định hướng, những phương hướng phát huy dân chủ xã hội, những nhiệm vụ cụ thể mà các cơ quan có trách nhiệm cần phải thực hiện… được nêu trong dự thảo như vậy là đủ. Thực hiện được những chỉ dẫn này, dân chủ sẽ thực sự đóng vai trò là phương thức hữu hiệu quản lý và điều tiết sự phát triển, đó cũng là phương thức chiến lược vĩ mô để bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Vấn đề là làm thế nào để những tư tưởng đó thực sự đi vào đời sống” – GS-TS Hồ Sỹ Quý phát biểu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, khi kinh tế suy thoái, đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông mạnh hơn, nhiều vụ tham nhũng bị phanh phui… khiến lòng tin của dân có nhiều giảm sút, dư luận trái chiều bùng phát. Nhưng điều này không thể nói là xấu, vì nó phản ánh trình độ dân chủ của đất nước, thậm chí còn là cần thiết cho sự phát triển, thể hiện sự trưởng thành hơn của đời sống tinh thần xã hội. Vì vậy, từ nghi ngại chuyển sang chủ động nắm bắt thì sẽ mang lại phương thức rất hữu hiệu trong quản lý, điều hành. Đặc biệt, trong thời đại Internet hiện nay, với trên 30 triệu người Việt Nam sử dụng công cụ Internet – đứng hàng đầu thế giới thì chúng ta càng cần sử dụng đó như một công cụ  hữu hiệu để phát huy dân chủ trong xã hội chứ không phải là tâm lý e ngại. Càng chủ động sử dụng thì hiệu quả càng lớn, nếu ngăn cản sẽ nảy sinh những hệ lụy.

GS Mai Quỳnh Nam (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển con người) nhấn mạnh: “Đừng sợ Internet, vấn đề là ở chỗ, anh phải đáp ứng được yêu cầu thông tin thì người ta không chạy đến những chỗ có thông tin không chính thống”. Theo GS Mai Quỳnh Nam, vừa qua có một số trang web ẩn danh mở ra thì lập tức có lượng truy cập kinh khủng, vì ở đó có những thông tin lâu nay người ta tò mò. Vấn đề là chúng ta cần đẩy mạnh việc công khai thông tin. Cứ một cơ thể khỏe mạnh thì công khai hóa để người ta biết.

Cần có Luật Internet

Theo GS Võ Đại Lược, muốn phát huy dân chủ, vấn đề hết sức quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Chính hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả. Để giám sát hiệu quả thì phải có những tổ chức xã hội độc lập thì mới có thể giám sát được những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Đặc biệt, cần có luật về giám sát để quy định cơ quan công quyền phải làm gì, tạo điều kiện cho dân chúng được giám sát ra sao, nhà nước phải khuyến khích việc giám sát, phản biện. Cùng với đó, phải có văn hóa giám sát, phản biện.

“Thái độ giám sát, phản biện phải với ý thức xây dựng, để Đảng, nhà nước mạnh hơn chứ không phải để công kích nhau. Nên có quy định những gì cấm nói trái, những gì được nói trái. Báo chí là công cụ rất quan trọng để thực hiện giám sát, phản biện nên phải được tăng cường” – GS Võ Đại Lược nhấn mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nói đến dân chủ, trong quá trình hình thành đường lối chính sách phải có sự đồng thuận của nhân dân, phải làm để dân tin, vì dân là người đi bầu lãnh đạo các cấp, là người chọn đại diện cho mình. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trên Internet có những thông tin đúng và thông tin chưa đúng. Internet là diễn đàn nhưng không có chế tài chính trị, đó là vấn đề cần phải điều chỉnh.

“Những thông tin không đúng nếu không được xác nhận lại thì những tin không đúng đó sẽ có sức lan tỏa ghê gớm trong xã hội. Những người biết sự thật phải đứng ra nói lên sự thật. Trên mạng có nhiều người nói sai về thành tựu đất nước nhưng lại không phải chịu trách nhiệm trước thông tin mình đưa ra. Về lâu dài, chúng ta phải tiến tới xây dựng Luật Internet” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.

Nguồn: